Gần một tuần sau khi Hamas tấn công Israel, truyền thông quốc tế ghi nhận nhiều ảnh hưởng kinh tế xảy ra trên khắp thế giới.
Cuộc xung đột giữa Hamas và Israel gây nên nhiều biến động đối với nền kinh tế (Nguồn: CNN)
Mâu thuẫn giữa tổ chức Hồi giáo cực đoan Hamas (Palestine) và Israel đã kéo dài suốt nhiều năm và gây ra hàng loạt xung đột đẫm máu ở khu vực Trung Đông. Các cuộc xung đột thường bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, nổi bật nhất là vấn đề tranh chấp lãnh thổ, những cuộc tấn công bằng tên lửa từ phía Hamas và hành động quân sự của Israel đối với vùng lãnh thổ Palestine.
Vào ngày 7/10 (theo giờ quốc tế), Hamas bất ngờ phát động lệnh bắn 5.000 quả tên lửa nhắm vào Tel Aviv (thành phố thuộc Israel) và các khu vực khác của quốc gia này. Vụ tấn công gây thương vong nghiêm trọng, đồng thời buộc quân đội Israel phải đáp trả bằng cuộc tấn công vào Hamas ở Dải Gaza. Bên cạnh đó, Hamas cũng bắt giữ nhiều công dân Israel khiến căng thẳng hai nước dâng cao và tuyên bố tình trạng chiến tranh.
Trong bối cảnh công dân hai nước và toàn cầu quan ngại tình trạng chiến tranh, cục diện căng thẳng ở Trung Đông còn kéo theo nhiều biến động kinh tế ở khu vực cũng như thế giới. Cụ thể, chỉ sau 48 tiếng kể từ khi ghi nhận cuộc chiến, truyền thông Hoa Kỳ cho biết, giá dầu tăng vọt do căng thẳng giữa Palestine và Israel. Giá dầu Hoa Kỳ tăng 3% đạt mức 85 USD/thùng, còn dầu thô Brent tăng khoảng 3%, giao dịch quanh 87 USD/thùng. Đồng tiền Israel giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2016. Thị trường chứng khoán châu Âu và Hoa Kỳ cũng giảm mạnh, riêng thị trường chứng khoán châu Á lại tăng và giảm đầy biến động. Các nhà phân tích lưu ý rằng tình hình xung đột có thể lan rộng và tiếp tục gây biến động đối với thị trường dầu, theo CNN.
Trái ngược với các báo cáo của CNN, truyền thông Nga đánh giá cuộc xung đột giữa Israel và Palestine không đe dọa ngay lập tức đến thị trường dầu mỏ toàn cầu. Tuy nhiên, một đợt tăng giá lớn có thể xảy ra nếu xung đột này lan sang Iran. Iran là nhà sản xuất dầu lớn và ủng hộ Hamas. Điều này có thể trở thành tác nhân gây gián đoạn nguồn cung dầu nếu xung đột leo thang đến Iran, Russia Today thông tin.
Cũng theo tờ Russia Today, xuất khẩu dầu thô Iran đã tăng lên mức cao nhất trong 5 năm và trở nên quan trọng đối với thị trường dầu mỏ. Hành động thù địch mới có thể làm gia tăng áp lực lên Iran và gây ra những hiệu ứng không thể dự đoán trong khu vực, bao gồm khả năng chặn eo biển Hormuz, tuyến đường thủy quan trọng cho nguồn cung dầu thế giới. Tác động nguồn cung và giá dầu có thể xảy ra trong tương lai nếu xung đột tiếp tục gia tăng.
Theo tờ Reuters, chỉ vài giờ sau cuộc tấn công tàn khốc, ông Rahim Safavi - Cố vấn Lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei đã công khai ca ngợi hành động nhằm vào Israel của Hamas. Truyền thông Hoa Kỳ cho rằng quốc gia này (Iran) có quan điểm ủng hộ và nhiều lần hỗ trợ nhóm Hồi giáo cực đoan. Cụ thể, tờ Reuters từng đăng tải bài viết đưa tin việc Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đề nghị hỗ trợ Israel sau cuộc tấn công và nhấn mạnh động thái này đang “đối mặt với chỉ trích từ Iran”.
Tuy nhiên, vào ngày 10/10 vừa qua, ông Ayatollah Ali Khamenei - Lãnh đạo tối cao Iran đã lên tiếng phủ nhận liên quan đến vụ việc.
Tình hình căng thẳng tại Trung Đông cũng ảnh hưởng đến thị trường xăng dầu tại Việt Nam. Vào ngày 11/10 vừa qua (theo giờ Việt Nam), xăng E5 RON92 và RON95-III (những loại xăng phổ biến trong nước) lần lượt còn 21.907 đồng/lít (giảm 1.595 đồng) và 23.044 đồng/lít (giảm 1.798 đồng) so với phiên điều hành trước đó, theo Báo Người lao động (Việt Nam).
Kelvin Huynh
Bình luận