Biểu tình ở Anh: Bạo lực bị thúc đẩy do sự “thổi phồng” của làn sóng cực hữu?
Tin Quốc Tế

Biểu tình ở Anh: Bạo lực bị thúc đẩy do sự “thổi phồng” của làn sóng cực hữu?

(TAP) - Vụ 3 trẻ thiệt mạng ở Anh ngày 29/7 dẫn đến bạo loạn sau khi có thông tin sai lệch cho rằng, nghi phạm là người tị nạn Hồi giáo. Theo chuyên gia, làn sóng thù địch nhắm vào người Hồi giáo và di cư có liên quan đến thực thể từ phe cực hữu.

Nhận định trên được trích dẫn từ một nghiên cứu gần đây của Viện Đối thoại Chiến lược (Institute for Strategic Dialogue, viết tắt: ISD) - tổ chức bảo vệ nhân quyền và đảo ngược làn sóng phân cực, cực đoan và thông tin sai lệch có chi nhánh tại Amma, Berlin, London, Paris và Washington D.C.

Cụ thể, theo những chuyên gia ISD, vụ đâm dao hàng loạt khiến 03 bé gái tử vong và hơn 10 trường hợp bị thương xảy ra ở một lớp học khiêu vũ thuộc Southport (khu đô thị Sefton, vùng Merseyside). Ban đầu, do nghi phạm là trẻ vị thành niên (17 tuổi) và động cơ chưa được làm rõ, cơ quan thực thi pháp luật Vương quốc Anh quyết định không công bố danh tính.

Tuy nhiên, vì không thể nêu tên trong suốt quá trình truy tố hình sự, nhiều luồng tin sai lệch về danh tính kẻ tấn công đã bị lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội (MXH).

Một buổi cầu nguyện do cộng đồng tổ chức cho nạn nhân đã bị lợi dụng bởi nhiều nhóm đối tượng. Những cá nhân này thông qua câu chuyện chống người Hồi giáo và nhập cư không có cơ sở, lôi kéo lượng lớn người dân tham gia xuống đường biểu tình, chống lại cả chính sách của Chính phủ.

Biểu tình ở Anh: Bạo lực bị thúc đẩy do sự “thổi phồng” của làn sóng cực hữu?

Buổi cầu nguyện cộng đồng gửi đến ba trẻ em bị sát hại (Nguồn: Merseyside Police)

Họ đổ toàn bộ trách nhiệm trên cho một cái tên “hư cấu” được gọi là “Ali al-Shakati” người Hồi giáo mới di cư đến Vương quốc Anh bằng thuyền. Thông tin này sau đó bị cảnh sát vạch trần và công bố danh tính thật của nghi phạm để trấn an dư luận: Axel Rudakubana, 17 tuổi, sinh ra tại Cardiff (Xứ Wales), người Rwanda.

Mặc dù vậy, làm sóng chống Hồi giáo và người di cư không có dấu hiệu dừng lại, thậm chí nó càng bị khuếch đại đến mức mất kiểm soát trên nhiều nền tảng phổ biến như TikTok, Youtube, X,… ISD cho biết.

Chuyên gia cho rằng, các mạng lưới thông tin này sử dụng phương tiện truyền thông trực tuyến như công cụ để huy động, hướng đến thực hiện nhiều cuộc biểu tình ngoại tuyến. Hàng loạt vụ gây rối trật tự công cộng, tấn công nhắm vào lực lượng cảnh sát được ghi nhận suốt thời gian qua ở Anh nói chung, đặc biệt là Merseyside - nơi xảy ra vụ đâm dao nói riêng.

Trong đó, nhiều vụ bạo loạn, biểu tình được cơ quan thực thi pháp luật địa phương vạch trần có dấu hiệu sử dụng MXH lôi kéo, kích động từ trước. Điển hình như ngày 8/8 vừa qua, thông tin đăng tải trên trang của Cảnh sát Merseyside (Merseyside Police) cho biết đã bắt giữ người đàn ông 39 tuổi, đến từ Rufford (Ormskirk) vì hành vi gây thù hận trực tuyến và tích cực khuyến khích người khác xuống đường.

Biểu tình ở Anh: Bạo lực bị thúc đẩy do sự “thổi phồng” của làn sóng cực hữu?

Thông tin Cảnh sát Merseyside đăng tải (Nguồn: Merseyside Police)

Trong ngày 8/8, trên mạng xã hội “X” (Twitter cũ) của đơn vị, Logically cho biết cũng ghi nhận nhiều luồng thông tin kêu gọi người dân tham gia biểu tình chống nhập cư có dấu hiệu liên kết với các nhóm khủng bố như Atomwaffen Division (AWD) và National Action (NA). Logically là doanh nghiệp công nghệ đa quốc gia Vương quốc Anh chuyên phân tích và chống lại thông tin sai lệch.

Biểu tình ở Anh: Bạo lực bị thúc đẩy do sự “thổi phồng” của làn sóng cực hữu?

Cảnh báo của Logically (Nguồn: X “Logically”)

Theo Logically, hành động này được thực hiện qua các kênh Telegram có xu hướng chính trị cực hữu (chuyên chế và dân tộc cực đoan). Đồng quan điểm, một báo cáo có tên “Sự sụp đổ toàn bộ hệ thống: Mạng lưới Telegram cực hữu kích động thù hận và bạo lực sau vụ đâm dao ở Southport” (Total system collapse: Far-right Telegram network incites hate & violence after Southport stabbings) của ISD cũng ghi nhận nhiều hoạt động bất thường diễn ra trên nền tảng MXH này.

ISD nhận định, Telegram là nền tảng sở hữu phần lớn thông tin không được kiểm duyệt, đóng vai trò là trung tâm cho các cộng đồng cực hữu trong nước và quốc tế. Đặc điểm nhận diện của các đối tượng dạng này là xu hướng kích động lòng căm thù, khuếch đại câu chuyện sai sự thật; tổ chức sự kiện ngoại tuyến, công bố địa điểm và lên kế hoạch bài bản cho hành động tiếp theo; chia sẻ lời khuyên dụ dỗ người bất mãn tham gia gây bạo loạn, bao gồm cả đốt phá.

Trang của Chính phủ Vương quốc Anh (Gov.UK) ngày 9/8 cho biết, tính đến ngày 8/8, hàng trăm trường hợp liên quan đến vụ bạo loạn đã phải hầu tòa. Bao gồm: 176 bị cáo đã được lên lịch tại tòa án sơ thẩm và 154 bị cáo đang bị xét xử; 6 người đã bị kết án tại tòa án địa phương; 50 người đã được gửi đến Tòa án Hoàng gia để tuyên án; 72 người được đưa đến Tòa án Hoàng gia để xét xử; 26 vụ án sẽ có phiên điều trần tại tòa án cấp sơ thẩm.

Biểu tình ở Anh: Bạo lực bị thúc đẩy do sự “thổi phồng” của làn sóng cực hữu?

Ngoài các cá nhân đã bị bắt giữ và xét xử, nhiều trường hợp gây bạo loạn vẫn đang được cơ quan thực thi pháp luật truy bắt (Nguồn: Facebook “Merseyside Police”)

Theo thông cáo báo chí đăng tải trên trang của Chính phủ Vương quốc Anh cùng ngày, ông Keith Fraser - Chủ tịch Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thanh niên (Youth Justice Board,viết tắt: YJB) cảnh báo, thanh thiếu niên là nhóm đối tượng dễ bị lôi kéo vào các hành vi bạo loạn do tác động từ xã hội và môi trường xung quanh.

Bên cạnh đó, ông Keith Fraser ủng hộ việc áp dụng các biện pháp tư pháp dành cho thanh thiếu niên, đồng thời tìm kiếm các giải pháp thay thế giúp những trường hợp bị kích động vi phạm pháp luật là thanh thiếu niên có thể sửa sai, giảm nguy cơ tái phạm.

Kane Nguyen

 

Bình luận