Một số cuộc biểu tình chống Hồi giáo ở Đan Mạch và Thụy Điển xảy ra tình trạng bôi nhọ Kinh Qur’an - văn bản tôn giáo quan trọng của đạo Hồi. Điều này khiến hai quốc gia Bắc Âu quan ngại về nguy cơ gia tăng căng thẳng chính trị và khủng bố với Trung Đông.
Hành động đốt Kinh Hồi giáo trong các cuộc biểu tình tại Đan Mạch và Thụy Điển có khả năng gia tăng nguy cơ khủng bố (Nguồn: The Guardian)
Theo chính quyền Copenhagen (Đan Mạch), thời gian qua, một nhóm theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan (chauvinism) đã có hành vi đốt kinh Qur’an trước Đại sứ quán Iraq ở Đan Mạch. Nguyên nhân dẫn đến hành động quá khích trên, được cho là để bày tỏ quan điểm tôn giáo và thực thi quyền tự do tín ngưỡng, The Guardian thông tin.
Các vụ đốt Kinh Qur’an thực tế từng diễn ra trước đó trên lãnh thổ Đan Mạch từ năm 2020, do phía chính trị cánh hữu cực đoan nước này phát động với mục đích phản đối văn hóa Hồi giáo và chống người di cư Trung Đông.
Việc này không chỉ gia tăng căng thẳng giữa quốc gia Bắc Âu này với Trung Đông mà còn khiến Đan Mạch bị thế giới coi là nơi tạo điều kiện xúc phạm và bôi nhọ văn hóa, tôn giáo, truyền thống nước khác. Vào tháng 6/2023, tình trạng tương tự cũng diễn ra trên lãnh thổ Thụy Điển khi những người theo chủ nghĩa chống lại đạo Hồi, bao gồm cả dân di cư rời bỏ Iraq, đã tập trung tại các nhà thờ Hồi giáo để phỉ báng, xé, đốt, bôi nhọ kinh Qur’an.
Nhằm kịp thời ứng phó và ngăn chặn căng thẳng nguy cơ leo thang, Chính phủ Đan Mạch cho biết đang xem xét các biện pháp ngăn chặn biểu tình liên quan đến xúc phạm tôn giáo. Đồng thời, Bộ Ngoại giao nước này cũng cân nhắc đánh giá khả năng phát sinh tình trạng khủng bố, bất ổn chính trị với các quốc gia, nền văn hóa và tôn giáo bị xúc phạm.
Liên quan đến câu hỏi có phải “quyền tự do ngôn luận” ở Đan Mạch đang tạo điều kiện cho sự xúc phạm và bôi nhọ văn hóa, tôn giáo nước khác; Chính phủ Đan Mạch thông tin cho biết, tự do ngôn luận là một trong những quyền quan trọng của đất nước. Tuy nhiên, nó phải được thực hiện trong khuôn khổ bảo vệ của hiến pháp, đồng thời nhấn mạnh rằng quyền tự do ngôn luận ở Đan Mạch có phạm vi rất rộng.
Tương tự Đan Mạch, theo thông tin trên Instagram cá nhân của ông Ulf Kristersson - Thủ tướng Thụy Điển, ông cùng các thành viên cấp cao Chính phủ cũng đang phân tích tình hình và sẽ xem xét tăng cường biện pháp an ninh quốc gia. Mục tiêu của Kristersson là đảm bảo an toàn cho toàn bộ công dân trên lãnh thổ cũng như định cư ở nước ngoài.
Trước đó, vào ngày 27/7, Chính phủ Thụy Điển đã yêu cầu 15 cơ quan đứng đầu - bao gồm cả quân đội tăng cường khả năng ứng phó trước nguy cơ khủng bố. Thông báo trên được đưa ra chỉ vài ngày sau khi hình ảnh những người đàn ông ở Yemen cầm súng biểu tình phản đối việc báng bổ kinh Qur’an được lan truyền rộng rãi, the Reuters.
Những người cầm súng biểu tình phản đối việc báng bổ kinh Qur’an ở Yemen (Nguồn: Reuters)
Về chiều hướng ngược lại, vào ngày 31/7, Ả-rập Xê-út (Saudi Arabia) và Công Hòa Iraq đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp tại Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (Organisation of Islamic Cooperation) thuộc Thành phố Jeddah (Saudi). Nội dung làm việc dự kiến sẽ đề cập đến vấn đề mạo phạm Qur'an ở cả Thụy Điển và Đan Mạch.
Tiger Vu
Bình luận