“Đất rừng phương nam” là bộ phim gắn liền với tuổi thơ nhiều người. Tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết của cố nhà văn Đoàn Giỏi. Tuy nhiên, ở phiên bản làm lại, nó vướng không ít lùm xùm xoay quanh dàn diễn viên không đủ tầm, truyền tải hình ảnh sai lệch, ảnh hưởng đến biểu tượng tinh thần văn hóa Nam bộ.
Vào ngày 22/9/2023, sau khi trailer chính thức của “Đất rừng phương nam” 2023 được công bố, dư luận lập tức bày tỏ thái độ phẫn nộ trước hàng loạt hạt sạn.
Nội dung video giới thiệu nhân vật và bối cảnh xã hội miền Nam trong thời kỳ Pháp thuộc. Đáng chú ý là đoạn clip dài chưa đến 3 phút ghi nhận hình ảnh những diễn viên mang trang phục không phải áo bà ba, được xem là biểu tượng văn hóa phổ biến ở miền quê miền Nam Việt Nam. Điển hình như nhân vật Bác ba phi của Trấn Thành, Út Lục Lâm của Tuấn Trần, Bé An của Hạo Khang,… mặc áo xá xẩu (trang phục truyền thống của người Hoa ở miền Tây).
Áo bà ba của người Nam bộ xưa (Nguồn: Phụ nữ Việt Nam)
Trang phục gây tranh cãi của các diễn viên trong phim (Nguồn: Internet)
Trước đó, hình tượng Bác ba phi (do nghệ sĩ Mạc Can thủ vai) hay bất cứ giai thoại nào về nhân vật này đều gắn liền với chiếc áo bà ba. Khán giả cho rằng đây là hạt sạn không đáng có ở tác phẩm vốn đã rất nổi tiếng. Số khác lại đưa ra giả thuyết, trang phục diễn viên trong phim có sự can thiệp từ Trấn Thành - một nghệ sĩ gốc Hoa, từng bị truyền thông Việt Nam chỉ trích “ngáo quyền lực”.
Mặt khác, nhân vật “Tiều” (do diễn viên Tiến Luật thủ vai), theo mô tả là người nghề biểu diễn võ thuật và bán thuốc dạo để kiếm sống, đồng thời thuộc “Thiên Địa Hội” - Hội kín ở Nam Kỳ chuyên hoạt động chống thực dân Pháp. Đây là nhân vật hư cấu, được đạo diễn thêm vào phim nhằm thay đổi một số tình tiết, mạch truyện chính của tác phẩm so với phiên bản tiền nhiệm, theo Báo Lao động (Việt Nam).
Việc vay mượn hoặc sử dụng yếu tố từ Trung Quốc khi thể hiện văn hóa Việt Nam vốn đã không được lòng khán giả. Thiên Địa Hội (hay Hồng Hoa Hội) thực chất là tiền thân của Hội Tam Hoàng, xuất phát từ phong trào “phản Thanh phục Minh”, theo nội dung từ bài viết “Hội Tam Hoàng và vòi bạch tuộc buôn người ở Đông Nam Á” đăng tải trên Báo điện tử VTC News ngày 29/08/2022.
Hình ảnh nhân vật Tiều - Thành viên của Thiên Địa Hội được thêm vào phim (Nguồn: Lao động)
Một số khảo cứu cho thấy, Thiên Địa Hội ở khu vực Chợ Lớn đầu thế kỷ XX hoạt động kinh tế chủ yếu thông qua tổ chức cờ bạc, thuốc phiện, bảo kê, mại dâm. Thậm chí cuộc chiến tranh giành lợi ích bởi những băng nhóm trên còn liên lụy đến không ít người dân.
Bên cạnh “Thiên Địa Hội”, bộ phim còn nhắc đến cụm từ là “Nghĩa Hòa Đoàn”. Nhiều thông tin cho biết đây là một phong trào khởi nghĩa ở Trung Quốc với khẩu hiệu “phù Thanh diệt Dương” (ủng hộ nhà Thanh, tiêu diệt người Tây).
Thành công của tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam” đến từ việc truyền tải giá trị văn hóa tinh thần và tái hiện lại bối cảnh lịch sử Nam Bộ xưa mộc mạc, bình dị và gần gũi. Nếu tác phẩm “ăn theo” không đủ tầm sẽ dễ khiến người xem, đặc biệt là thế hệ trẻ ngộ nhận, cho rằng đó là những gì thuộc về nguyên tác, hay nghiêm trọng hơn là lịch sử. Từ đó, dẫn đến các tác động sai lệch về tư duy, nhận thức. Phủ nhận những công trình nghiên cứu, giá trị cốt lõi và làm văn hóa nước nhà ngày càng mai một.
Đối với phim chuyển thể từ tiểu thuyết, đạo diễn và nhà biên kịch có thể sáng tạo, không nhất thiết phải giống lịch sử hoặc tác phẩm gốc. Tuy nhiên, văn hóa là không được lai tạp hay sai biệt, tránh làm mất đi tính chân thực hoặc gây hiểu nhầm. Dư luận thực sự quan ngại việc thay đổi nguyên tác của đội ngũ sản xuất “Đất rừng phương nam” (2023) nhằm mục đích gì? Liệu có dấu hiệu cổ xúy và truyền tải thông tin sai lệch hay không?
Danny Tran
Bình luận