Thủ tướng Đức Olaf Scholz thông tin rằng họ và các đồng minh đang thảo luận về vấn đề đảm bảo an ninh cho Ukraine, song cách thức sẽ khác với bảo vệ thành viên NATO.
Theo Báo Vnexpress (Việt Nam) đưa tin ngày 4/7/2022, “Chúng tôi đang thảo luận với các đồng minh về những đảm bảo an ninh mà chúng tôi có thể đưa ra”, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói với đài truyền hình ARD hôm 3/7. Đề cập trên nhằm đưa ra các biện pháp đảm bảo an ninh cho Ukraine sau khi kết thúc xung đột tại nước này.
Ông Olaf Scholz cho biết thêm, các biện pháp đảm bảo an ninh mà nước này và các đồng minh có thể dành cho Ukraine sẽ không giống cách thức bảo vệ với các thành viên NATO.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz trả lời phỏng vấn với đài truyền hình ARD tại Berlin hôm 3/7. Ảnh: Reuters.
Trong đó, Điều 5 Hiệp ước NATO quy định: mọi cuộc tấn công một thành viên của khối bị coi là đòn tấn công nhằm vào cả liên minh và NATO sẽ cùng tham gia đáp trả. Kể từ khi thành lập, NATO mới kích hoạt Điều 5 một lần, sau vụ tấn công khủng bố ở Mỹ ngày 11/9/2001. Liên minh đã phát động chiến dịch chống khủng bố đầu tiên, hỗ trợ tuần tra không phận Mỹ, đồng thời cử lực lượng tới Địa Trung Hải để phát hiện và ngăn chặn các hoạt động khủng bố.
Thời gian qua, Thủ tướng Đức Olaf Scholz - nhậm chức hồi tháng 12 năm ngoái, phải đối mặt với những cáo buộc trong và ngoài nước về việc không thể hiện vai trò lãnh đạo trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Thế nhưng, ông Scholz khẳng định không muốn trở thành “kiểu chính trị gia hứa mỗi tuần nhưng sau đó thất hứa tới 90%”.
Cụ thể ông nói: “Đặc biệt trong những thời điểm khó khăn như vậy, không phải lúc dành cho những người liên tục nói điều gì đó, mà dành cho những người chắc chắn rằng những quyết định cơ bản sẽ được đưa ra.”
Sau vòng đàm phán trực tiếp với Nga tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 29/3, Ukraine đề xuất trở thành nước trung lập, từ bỏ tham vọng gia nhập NATO, với điều kiện các nước khác đảm bảo an ninh cho họ bằng những hiệp ước mang tính ràng buộc pháp lý, nhằm ngăn các cuộc tấn công trong tương lai. Các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine đã bế tắc từ cuối tháng ba. Tuy nhiên, hôm 29/6, Cố vấn của Tổng thống Ukraine Igor Zhovkva lại thúc giục NATO thể hiện ủng hộ chính trị với Kiev nhiều hơn.
Quang Minh (TH)
Bình luận