Đức rơi vào khủng hoảng chính trị, bầu cử sớm đang chờ đợi
Tin Quốc Tế

Đức rơi vào khủng hoảng chính trị, bầu cử sớm đang chờ đợi

(TAP) - Theo các nguồn tin quốc tế, vào ngày 16/12 (giờ địa phương), Quốc hội Cộng hòa Liên bang Đức tiến hành cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối chính phủ liên minh ba đảng (Dân chủ Xã hội - SPD, Đảng Xanh và Dân chủ Tự do – FDP) theo đề nghị của Thủ tướng Olaf Scholz. Kết quả bỏ phiếu cho thấy chính phủ do ông Scholz lãnh đạo chính thức thất bại, nhận 394 phiếu chống và 116 phiếu trắng trong tổng số 733 đại biểu. Việc này mở ra khả năng tổ chức bầu cử sớm, dự kiến vào tháng 2/2025.

Cuộc bỏ phiếu tín nhiệm diễn ra sau khi Đảng Dân chủ Tự do (FDP) tuyên bố rút khỏi liên minh cầm quyền ba đảng hôm 06/11, do bất đồng sâu sắc giữa FDP và Thủ tướng Scholz về các chính sách phục hồi nền kinh tế. Đặc biệt, quyết định sa thải Bộ trưởng Tài chính – nhân vật quan trọng thuộc FDP – tạo ra vết rạn nứt không thể hàn gắn giữa Thủ tướng và đảng này. Việc FDP rút lui khỏi liên minh chính phủ đã làm suy yếu khả năng duy trì ổn định chính trị của chính quyền do ông Scholz lãnh đạo. Chính phủ không chiếm đa số trong Quốc hội, tạo ra bối cảnh chính trị bất ổn và khó khăn trong công tác điều hành đất nước. Giải pháp duy nhất để khôi phục sự ổn định là tổ chức bầu cử lập pháp, nhằm điều chỉnh lại tương quan lực lượng trong Quốc hội.

 Đức rơi vào khủng hoảng chính trị, bầu cử sớm đang chờ đợi

Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Nguồn: The website of Federal Chancellor Olaf Scholz

Theo Hiến pháp Đức, để tiến hành bầu cử sớm, Quốc hội phải thực hiện cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối Thủ tướng. Quyết định này mở đường cho Tổng thống Liên bang có quyền giải tán Quốc hội, từ đó tạo điều kiện cho cuộc tổng tuyển cử tiếp theo. Với kết quả bỏ phiếu không thuận lợi đối Thủ tướng Scholz, Tổng thống Frank-Walter Steinmeier sẽ có 21 ngày để quyết định có giải tán Quốc hội hay không. Nếu được phê duyệt, cuộc bầu cử toàn quốc sẽ phải diễn ra trong vòng 60 ngày kể từ khi Quốc hội bị giải tán.

Mặc dù chính phủ của ông Scholz về mặt thực tế không tồn tại, ông và các thành viên trong nội các tiếp tục đảm nhận chức vụ tạm quyền cho đến khi Quốc hội khóa mới khai mạc. Tuy nhiên, chính quyền này không nhận được sự ủng hộ từ đa số đại biểu trong Quốc hội, dẫn đến dự báo về tình trạng "tê liệt" chính trị trong những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ.

 Đức rơi vào khủng hoảng chính trị, bầu cử sớm đang chờ đợi

Toàn cảnh cuộc bỏ phiếu (Ảnh cắt từ clip)

Bầu cử bất tín nhiệm là sự kiện hiếm hoi trong lịch sử chính trị Đức, đặc biệt trong bối cảnh quốc gia này luôn coi trọng sự ổn định. Đây là lần thứ sáu trong lịch sử hậu chiến, Quốc hội Đức tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm đối Thủ tướng. Lần gần nhất diễn ra vào năm 2005. Việc bỏ phiếu tín nhiệm thất bại không chỉ đánh dấu một bước ngoặt trong chính trị Đức, mà còn có thể gây ra những tác động lớn đối tình hình chính trị của Đức và cả khu vực châu Âu.

Hiện tại, trong khi chờ đợi quyết định từ Tổng thống Steinmeier, Đức – quốc gia hơn 83 triệu dân – đang đối mặt loạt thách thức nghiêm trọng, bao gồm suy thoái kinh tế, lạm phát gia tăng và sự bất ổn trong lòng cử tri. Tình hình này khiến cho việc tổ chức bầu cử sớm không chỉ là vấn đề chính trị nội bộ, mà còn tác động sâu rộng đến sự ổn định của toàn khu vực.

Hoang Nam

Bình luận