Chiều ngày 20/3 (giờ Việt Nam), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp gỡ Đại diện Tập đoàn bán dẫn Lam Research (Lam Research Corporation) - nhà cung cấp thiết bị, dịch vụ trong lĩnh vực bán dẫn ở Hoa Kỳ. Tại đây, doanh nghiệp phía Washington, D.C. mong muốn xây dựng nhà máy trị giá hàng tỷ USD tại Việt Nam.
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ (Việt Nam) đăng tải cùng ngày, được thành lập từ năm 1980, Tập đoàn Lam Research là một trong những đơn vị sản xuất chip hàng đầu thế giới, có trụ sở tại bang California (Hoa Kỳ). Doanh nghiệp này hiện sở hữu hơn 18.700 chuyên gia, nhân viên làm việc trong lĩnh vực bán dẫn.
Chuyến đi đến Hà Nội của phái đoàn Lam Research do ông Karthik Rammohan - Phó Chủ tịch cấp cao Tập đoàn dẫn đầu. Hoạt động ngoại giao nhân sự kiện Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (Vietnam Business Forum, viết tắt: VBF) diễn ra từ ngày 19/3.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp Đại diện Tập đoàn bán dẫn Hoa Kỳ Lam Research (Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ Việt Nam)
Tại cuộc gặp, ông Karthik Rammohan cho biết, Lam Research đang có kế hoạch mở rộng hoạt động tại khu vực châu Á. Đặc biệt với thị trường Việt Nam, Tập đoàn này dự kiến dự kiến hợp tác với Công ty Seojin - doanh nghiệp Hàn Quốc hiện sở hữu nhiều nhà máy sản xuất ở tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh để phát triển nhà máy sản xuất chuỗi cung ứng. Ước tính giai đoạn 1 của dự án liên doanh sẽ có tổng số vố từ 1 - 2 tỷ USD. Đồng thời, sau khi hoàn tất quá trình đầu tiên, phía Tập đoàn Hoa Kỳ có thể đầu tư trực tiếp và không ngừng mở rộng hoạt động sản xuất tại đất nước hình chữ “S”.
Về phía chính quyền Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, cả Hoa Kỳ và Hàn Quốc đều là đối tác Chiến lược toàn diện của Việt Nam, đặc biệt về lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trước nhu cầu chuyển dịch vốn đầu tư FDI toàn cầu, Việt Nam thể hiện mong muốn thu hút ngày càng nhiều nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp nước bạn, bao gồm Lam Research.
Cũng theo Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ sở hữu khoảng 50.000 - 100.000 kỹ sư hoạt động trong ngành bán dẫn. Điều này đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong tương lai ở lĩnh vực tiềm năng. Trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, Thủ tướng kỳ vọng hai doanh nghiệp cần chú trọng nghiên cứu, R&D (Research and Development), chuyển giao công nghệ và thúc đẩy phát triển hệ sinh thái bán dẫn cho thị trường Việt Nam.
Danny Tran
Bình luận