Hoa Kỳ: Áp thuế chống bán phá giá với túi giấy mua sắm nhập khẩu từ nhiều quốc gia
Tin Hoa Kỳ

Hoa Kỳ: Áp thuế chống bán phá giá với túi giấy mua sắm nhập khẩu từ nhiều quốc gia

(TAP) - Dựa vào kết luận của Ủy ban Thương mại Quốc tế (International Trade Commission, viết tắt: ITC), Bộ Thương mại (Department of Commerce, viết tắt: DOC) Hoa Kỳ công bố mức thuế chống phá giá đối với túi giấy mua sắm nhập khẩu từ nhiều quốc gia.

Theo Cục Quản lý Thương mại Quốc tế (International Trade Administration) đăng tải ngày 18/7 vừa qua (giờ địa phương), trước đó vào ngày 24/5/2024, DOC đã thông báo trên Công báo Liên bang (Federal Register) khẳng định túi giấy nhập khẩu từ một số quốc gia đang bán ở Hoa Kỳ có giá trị thấp hơn mức hợp lý (less-than-fair-value).

Sản phẩm bị điều tra chống phá giá (Antidumping Duty, viết tắt: AD) đến từ Campuchia, Trung Quốc, Colombia, Ấn Độ, Malaysia, Bồ Đào Nha, Đài Loan và Việt Nam.

Hoa Kỳ: Áp thuế chống bán phá giá với túi giấy mua sắm nhập khẩu từ nhiều quốc gia

Mẫu túi giấy nhập khẩu (Nguồn: Vietnam Chamber of Commerce and Industry)

Như TAP News từng đưa tin vào tháng 6, những doanh nghiệp bị điều tra phía Việt Nam gồm: Công Ty Cổ Phần Bao Bì Và In Goldsun (Goldsun Packaging and Printing Joint Stock Company); Công Ty TNHH In Đông Sung (Dong Sung Printing Co., Ltd); Công Ty TNHH Sản Xuất Khang Thành (Khang Thanh Manufacturing Company Limited); Công Ty TNHH Công Nghiệp Sao Đỏ Việt Nam (Vietnam Red Star Industry Company Limited); cùng một số đơn vị khác.

Căn cứ vào kết luận thời điểm đó, DOC cho biết túi giấy Việt Nam có biên độ phá giá trung bình là 36,51% (với những doanh nghiệp nêu trên) và 92,34% với những doanh nghiệp khác. Trước thông tin này, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương, Việt Nam) đã khuyến nghị, hỗ trợ doanh nghiệp liên quan phối hợp điều tra, đảm bảo quyền lợi và lợi ích chính đáng.

DOC Hoa Kỳ cũng giao ITC đánh giá và kết luận thiệt hại có thể gây ra đối với doanh nghiệp trong nước kinh doanh mặt hàng tương tự. Trong trường trường hợp kết luận giá bán thấp hơn không gây ảnh hưởng, vụ điều tra sẽ kết thúc, ngược lại DOC sẽ ban hành lệnh áp thuế AD.

Không như kỳ vọng, ngày 5/7 vừa qua, ITC khẳng định một ngành công nghiệp quốc gia bị ảnh hưởng đáng kể bởi việc bán phá giá. Qua đó, DOC đã ban hành phán quyết và mức áp thuế AD cuối cùng đối với các nước nhập khẩu túi giấy vào Hoa Kỳ (có hiệu lực kể từ ngày 18/7).

Hoa Kỳ: Áp thuế chống bán phá giá với túi giấy mua sắm nhập khẩu từ nhiều quốc gia

Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố mức thuế chống phá giá đối với túi giấy nhập khẩu từ nhiều quốc gia (Nguồn: Federal Register)

Ghi nhận mức áp thuế với Việt Nam vẫn giữ nguyên là 36,51% và 92,34%. Trong khi đó, Campuchia bị đánh thuế AD thấp nhất là 7,07% và cao nhất 248,81%; Malaysia lần lượt là 3,18% và 112,22%; Colombia là 11.06% và 56,14%; Đài Loan là 4,74% và 65,81%; Bồ Đào Nha là 6,14%.

Trung Quốc là 73,05% (cho tất cả doanh nghiệp bị điều tra) và 146,32% (đối với thực thể toàn Bắc Kinh). Tuy nhiên, sau khi xem xét thêm các yếu tố liên quan đến lượng trợ cấp từ trong nước (amount of domestic subsidy), DOC quyết định giảm mức thuế AD cho Bắc Kinh lần lượt thấp nhất là 61,65% và cao nhất là 135,77%.

Trợ cấp từ trong nước được hiểu là khoản trợ cấp không xuất phát từ phía thực tế nước ngoài, nhằm trợ giá cho doanh nghiệp nước ngoài. Thay vào đó, khoản trợ giá này lại xuất phát từ một số thực thể tại Hoa Kỳ, nhằm đạt được lợi ích nào đó, dẫn đến cạnh tranh thiếu lành mạnh với doanh nghiệp, ngành hàng đối thủ.

Đối với Ấn Độ, thuế AD thấp nhất là 4,59% và 53,05%. Tuy nhiên, tương tự Trung Quốc, sau khi trừ đi trợ cấp từ trong nước, Ấn Độ phải chịu mức thuế AD thấp nhất là 1,20 và cao nhất là 49,66%. Trong đó, ghi nhận có hai doanh nghiệp được DOC xác định không có hành vi vi phạm là Công ty TNHH Giải pháp Bao bì Aeroplast (Aeroplast Packaging Solution Private Limited) và Công ty TNHH Giải pháp Kinh doanh Aero (Aero Business Solutions Private Limited).

Kane Nguyen

 

Bình luận