Mặc dù Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã cận kề, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và người đứng đầu nước Nga Vladimir Putin nhiều khả năng sẽ không tham gia sự kiện.
Vào ngày 4/9 vừa qua, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Bắc Kinh xác nhận, ông Tập Cận Bình - Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sẽ không xuất hiện tại Hội nghị thượng đỉnh G20, dự kiến diễn ra từ ngày 9 - 10/9 ở thủ đô New Delhi (Ấn Độ). Thay vào đó, ông Lý Cường - Thủ tướng Trung Quốc sẽ đại diện tham gia chương trình. Nguyên nhân cho sự vắng mặt trên vẫn chưa được cơ quan ngoại giao nước này công bố. Như vậy, đây là lần đầu tiên lãnh đạo cấp cao Trung Quốc bỏ lỡ G20, nên biết rằng ngay cả trong thời gian đại dịch (2020 - 2021), ông Tập vẫn tham dự theo hình thức họp trực tuyến, CNN đưa tin.
Ông Tập Cận Bình sẽ vắng mặt tại Hội nghị thượng đỉnh G20 (Nguồn: CNN)
Trước đó, nguoivietplus có bài viết đưa tin việc chính quyền Bắc Kinh công bố “Bản đồ chuẩn năm 2023” mới có phạm vi trùng lặp đến những vùng đặc quyền kinh tế của Ấn Độ, Malaysia, Brunei, Việt Nam, Philippines và Indonesia. Nhiều thập kỷ qua, một số khu vực thuộc biên giới Ấn Độ - Trung Quốc như bang Arunachal Pradesh và cao nguyên Aksai Chin thường xuyên xảy ra tình trạng tranh chấp, bất đồng xoay quanh vấn đề biên giới lãnh thổ. Truyền thông đánh giá, sự vắng mặt của Tập Cận Bình tại G20 dấy lên nhiều lo ngại về mối quan hệ bất ổn giữa Trung Quốc - Ấn Độ liên quan đến biên giới đất liền, theo The Times of India.
Trong một diễn biến khác, ông Joe Biden - Tổng thống Hoa Kỳ bày tỏ thái độ thất vọng vì không được gặp ông Tập tại New Delhi. Tuy nhiên, Biden cho biết sẽ sớm gặp lãnh đạo Trung Quốc vào mùa thu. Vào ngày 27 - 30/8 vừa qua, bà Gina Raimondo - Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ cũng có chuyến công du đến Bắc Kinh gặp gỡ các quan chức cấp cao nước này. Mục đích nhằm thống nhất với Trung Quốc về vấn đề thương mại và những lĩnh vực hợp tác tiềm năng. Đồng thời, giải quyết một số thách thức mà các doanh nghiệp Hoa Kỳ phải đối mặt khi chính quyền đất nước tỷ dân thi hành luật chống gián điệp, nguoivietplus thông tin.
Tương tự Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng sẽ bỏ qua Hội nghị thượng đỉnh lần này vì lệnh bắt giữ của Tòa án Hình sự Quốc tế (International Criminal Court, viết tắt: ICC) từ tháng 3/2023. Thay vào đó, ông Sergey Lavrov - Bộ trưởng Ngoại giao Nga nhiều khả năng sẽ đại diện chính quyền Moscow tham gia, theo Kênh truyền hình CNBC.
Tuy nhiên, ông Putin cũng có công việc riêng vào tháng 9 này. Theo thông tin tình báo quân sự Hoa Kỳ, ông Kim Jong-un (người hiếm khi rời thủ đô Bình Nhưỡng) dự kiến đến Nga từ ngày 10 - 13/9 bằng tàu bọc thép. Cả hai nguyên thủ sẽ có buổi gặp mặt riêng tại khuôn viên Đại học Liên bang Viễn Đông (Far Eastern Federal University) ở Vladivostok. Cũng trong khuôn khổ chuyến ghé thăm, nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng có kế hoạch đến Bến tàu 33 (Pier 33), nơi đóng quân của tàu hải quân thuộc hạm đội Thái Bình Dương của Nga,The New York Times đưa tin.
Tốc độ đàm phán mua bán vũ khí giữa Triều Tiên và Nga khiến nhiều quốc gia quan ngại (Nguồn: The Guardian)
Về mục đích chuyến đi, truyền thông dự đoán thỏa thuận vũ khí giữa Nga - Triều Tiên đang có tiến triển mới. Vào tháng 7/2023, ông Sergei Shoigu - Bộ trưởng Quốc phòng Nga từng đến Bình Nhưỡng để đẩy nhanh thỏa thuận đàm phán vũ khí, đạn dược từ Bắc Hàn. Hiện nay, cả Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Hàn Quốc và Nhật Bản đều nhận định bất kỳ thỏa thuận vũ khí nào giữa Triều Tiên và Nga đều vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UN security council resolutions), The Guardian thông tin.
Kelvin Huynh
Bình luận