Chính phủ Malaysia đã thông qua các cải cách pháp lý, trong đó bao gồm bãi bỏ án tử hình bắt buộc, án tù chung thân suốt đời và giảm số tội danh bị tử hình.
Theo Tuổi Trẻ, ngày 3/4, Hạ viện Malaysia tiến hành bỏ phiếu thông qua chính sách nhằm biến án tử hình thành lựa chọn, thay vì bắt buộc như trước đây. Tiếp sau đó sẽ là lượt bỏ phiếu của Thượng viện và cuối cùng trình lên Nhà vua để ký thành luật.
Thứ trưởng phụ trách Luật pháp và Cải cách thể chế thuộc Văn phòng Thủ tướng Malaysia, ông Ramkarpal Singh cho biết mục đích dự luật nhằm tôn trọng quyền sống của mỗi cá nhân và hướng đến cải tạo tù nhân, điều mà án tử hình không làm được.
Ông Singh bổ sung rằng thay đổi này sẽ giúp phạm nhân có cơ hội tái hòa nhập và phục vụ cộng đồng sau khi ra tù.
Dự luật cải cách sẽ áp dụng cho 9 tội danh từ buôn bán ma túy, giết người, khủng bố,... Các lựa chọn thay thế án tử hình gồm có phạt roi và kết án giam giữ 30 - 40 năm, điều này áp dụng với tất cả trường hợp áp dụng án chung thân trước đây.
Một số tội danh nghiêm trọng nhưng không gây thiệt hại về người như bắt cóc và buôn bán vũ khí cũng sẽ được xóa bỏ án tử hình.
Sau cuộc bỏ phiếu kéo dài hai tiếng đồng hồ, luật sửa đổi chính thức được thông qua. Tuy nhiên vẫn có hàng loạt ý kiến phản đối cho rằng điều này đang trực tiếp tước đoạt công lý của nạn nhân và thân nhân họ.
Trước đó vào năm 2018, Malaysia lần đầu tiên cam kết bãi bỏ án tử hình. Trước sức ép chính trị từ các đảng phái khác, chính phủ buộc phải từ bỏ chính sách một năm sau đó.
Ray Mine
Bình luận