Phủ nhận cáo buộc ngăn cản xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine, Nga cho biết sẵn sàng mở lại nguồn cung lương thực thế giới nếu được gỡ bỏ lệnh cấm vận.
Báo Tuổi trẻ (Việt Nam) ngày 30/6/2022 đưa tin, họp báo cùng cơ quan truyền thông ngày 29/6/2022, phát ngôn viên từ Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định, chính quyền nước này hoàn toàn không can dự đến vấn đề kìm hãm xuất khẩu ngũ cốc Ukraine. Đồng thời, đại diện cơ quan ngoại giao thuộc chính quyền Moscow nhấn mạnh, chính sách “nhũng nhiễu” của Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu (EU) mới là nguyên nhân gây nên tình trạng khủng hoảng ngũ cốc toàn cầu.
Dựa vào thông tin bà Zakharova tiết lộ với TASS - Hãng thông tấn xã lớn nhất Liên bang Nga, lý do khiến thị trường ngũ cốc Ukraine trì trệ có liên quan đến chính sách rà soát bom mìn, kiểm tra an ninh tại các cảng giao thương quốc gia này. Trái ngược với cáo buộc trước đó, chính quyền Moscow không những không “cản trở” Ukraine mà còn sẵn sàng xuất khẩu hàng chục triệu tấn ngũ cốc khỏi biên giới, góp phần ngăn chặn tình trạng giá lương thực leo thang. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể xảy ra nếu phương Tây (đặc biệt là Hoa Kỳ, Anh, EU) chấm dứt lệnh cấm vận đối với Nga.
Ukraine đang lâm vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” khi không thể xuất khẩu ngũ cốc khỏi lãnh thổ (Nguồn: Tuổi trẻ)
Trao đổi cùng TASS, bà Zakharova đã chỉ trích phát ngôn của Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cách đây không lâu. Cụ thể, bà Baerbock cho rằng Moscow đang biến khủng hoảng lương thực thành vũ khí xoay chuyển cục diện chiến trường. Cũng theo các chuyên gia, thị trường ngũ cốc Ukraine bị hạn chế vì tình hình chiến sự căng thẳng giữa quốc gia này và Nga từ cuối tháng 2/2022. Ước tính có khoảng 20 - 25 triệu tấn lúa mì không thể xuất khẩu khỏi biên giới Ukraine.
Tuy nhiên, Đại diện Bộ Ngoại giao Nga lại khẳng định, cáo buộc trên là hoàn toàn vô căn cứ. Trên cương vị một chính khách có tầm ảnh hưởng cộng đồng, cáo buộc Baerbock đề cập trước đó thể hiện sự phiến diện, thiếu khách quan, không chuyên nghiệp. Bà Zakharova cho biết, chính quyền Đức có lẽ đã quên trong cuộc Chiến tranh Liên Xô – Phát Xít Đức (1941–1945), “họ” mới thật sự là quốc gia sử dụng nạn đói như thứ vũ vũ khí giành lợi thế trên chiến trường.
Hoà Văn (TH)
Bình luận