Sri Lanka ban bố tình trạng khẩn cấp sau khi Tổng thống rời đất nước
Tin Quốc Tế

Sri Lanka ban bố tình trạng khẩn cấp sau khi Tổng thống rời đất nước

Trước cuộc khủng hoảng diễn ra tại đất nước, Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa cùng phu nhân đã rời khỏi đất nước đến Maldives.

Ngày 13/7, Báo Thế giới & Việt Nam đưa tin, Lực lượng Không quân Sri Lanka xác nhận, dựa trên quy định của Hiến pháp cũng như yêu cầu của chính phủ, sáng ngày 13/7, Không quân Sri Lanka đã chuẩn bị một máy bay nhằm đưa vợ chồng tổng thống và 2 vệ sĩ đi đến thủ đô Male, Maldives.

Bên cạnh đó, với tư cách là quyền Tổng thống, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe chính thức ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc và áp đặt lệnh giới nghiêm ở tỉnh miền Tây, bao gồm cả thủ đô Colombo. Cụ thể, trong thông báo, người phát ngôn Văn phòng Thủ tướng Sri Lanka nói rằng: "Vì Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã rời đất nước, tình trạng khẩn cấp được ban bố nhằm giải quyết tình hình trong nước".

ri Lanka ban bố tình trạng khẩn cấp sau khi Tổng thống rời đất nước

Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe được Đảng cầm quyền ủng hộ làm Tổng thống. (Nguồn: AP)

Cùng ngày, đoàn biểu tình đến Văn phòng Thủ tướng và yêu cầu ông Ranil Wickremesinghe từ chức. Ông Wickremesinghe trước đó cũng thông báo sẵn sàng từ chức nhằm mở đường cho một chính phủ đoàn kết dân tộc.

Ngày 12/7, các nhà tổ chức biểu tình và các lãnh đạo công đoàn cảnh báo sẽ có một cuộc đình công và biểu tình lớn cũng như nguy hiểm nếu hai vị lãnh đạo đất nước này là: Tổng thống Rajapaksa và Thủ tướng Wickremesinghe không từ chức trong ngày 13/7.

Một số nguồn tin cho biết thêm, các thành viên chủ chốt của đảng Nhân dân Sri Lanka (SLPP) cầm quyền ở quốc đảo Ấn Độ Dương bày tỏ thái độ ủng hộ Thủ tướng Wickremesinghe lên làm tổng thống. Thế nhưng hiện tại vẫn chưa có quyết định chính thức nào được đưa ra.

Thêm vào đó, Chủ tịch Quốc hội Mahinda Yapa Abeywardena vẫn đang chờ nhận đơn từ chức của Tổng thống Rajapaksa.

Dự trên kế hoạch, ngày 20/7, Quốc hội Sri Lanka sẽ bầu tổng thống mới. Nhưng với tình trạng hỗn loạn chính trị như hiện nay thì mọi việc dường như phức tạp hơn. Những nỗ lực giúp quốc gia Nam Á thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong 7 thập kỷ qua đang gặp nhiều khó khăn. Được biết, cuộc khủng hoảng kinh tế xuất phát từ tình trạng thiếu hụt ngoại tệ nghiêm trọng làm cho Sri Lanka không thể nhập khẩu những mặt hàng thiết yếu như nhiên liệu, thực phẩm và dược phẩm.

Trong tháng 6, lạm phát ở Sri Lanka đang ở mức cao kỷ lục 54,6% và dự kiến những tháng tới sẽ tăng lên 70%.

Nguyễn Trân (TH)

Bình luận