(TAP) - Trong những năm gần đây, hiện tượng mưa bão xảy ra vô cùng thường xuyên và nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, kinh tế của nhiều quốc gia. Vậy tại sao tình trạng mưa bão xảy ra liên tục như vậy?
Hình ảnh một cơn bão chụp từ vệ tinh
Bão (bão nhiệt đới) là một trạng thái nhiễu động của khí quyển, loai hình thời tiết cực đoan, rất nguy hiểm thường xuyên xuất hiện ở các vùng biển nhiệt đới kèm theo gió mạnh và mưa lớn. Tình trạng xảy ra mưa bão liên tục xuất phát từ nhiều yếu tố liên kết với nhau. Điển hình như: biến đổi khí hậu, sự thay đổi trong hệ thống áp suất khí quyển, tác động của hoạt động từ con người…
Biến đổi khí hậu
Đây là một trong những thách thức lớn nhất mà nhân loại đang phải đối mặt, nguyên nhân chính làm tăng tần suất và cường độ của mưa bão như hiện nay. Bởi khi nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng, không khí có khả năng giữ lại độ ẩm cao hơn (với mỗi 1 độ C tăng có thể làm không khí chứa thêm 7% độ ẩm). Theo báo cáo từ Cơ quan Khí tượng Thế giới, nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng khoảng 1 độ C so với mức trước cách mạng công nghiệp. Điều này dẫn đến sự tích tụ hơi nước lớn hơn, tăng độ ẩm trong khí quyển, tạo điều kiện cho các cơn bão mạnh và mưa lớn hình thành.
Ảnh minh họa. Nguồn: Trang thông tin Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Việt Nam)
Sự thay đổi trong hệ thống áp suất khí quyển
Mưa bão thường xuất hiện ở các khu vực có áp suất thấp. Khi không khí ấm và ẩm từ bề mặt đại dương bay lên sẽ làm giảm áp suất khu vực đó. Sự giảm áp suất này thu hút không khí xung quanh tạo ra gió, hình thành bão. Bên cạnh đó, sự thay đổi trong áp suất khí quyển có thể dẫn đến tương tác giữa các hệ thống áp suất khác nhau gây gió mạnh, duy trì độ ẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho bão phát triển.
Điển hình như gần đây, các nhà khoa học ghi nhận sự thay đổi trong hệ thống áp thấp và áp cao, gây ra mưa lớn kéo dài dẫn đến lũ lụt nghiêm trọng, thiệt hại về tài sản và tính mạng con người. Đồng thời, sự thay đổi trong áp suất khí quyển còn ảnh hưởng dòng chảy của gió, có thể làm tăng tốc độ gió, góp phần tạo ra cơn bão mạnh.
Sự tác động của hoạt động từ con người
Hoạt động công nghiệp, giao thông vận tải và nông nghiệp thải ra một lượng lớn khí nhà kính như CO2 và methane. Những khí này tích tụ trong khí quyển, làm tăng hiệu ứng nhà kính dẫn đến biến đổi khí hậu – nguyên nhân chính làm gia tăng tần suất và cường độ mưa bão.
Bên cạnh đó, rừng giữ vai trò điều hòa khí hậu. Chính vì thế, việc chặt phá rừng để phát triển nông nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng làm giảm khả năng giữ nước của đất và làm tăng độ trơ của bề mặt, dẫn đến mưa bão, lũ lụt nhanh chóng. Vào đầu tháng 9/2024, ở nhiều khu vực như miền Bắc của Việt Nam đã phải chứng kiến tình trạng sạt lỡ, lũ quét nghiêm trọng do mất rừng.
Nạn chặt phá rừng đầu nguồn. Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam
Ngoài ra, tình trạng đô thị hóa làm thay đổi bề mặt trái đất, giảm khả năng hấp thụ nước và gia tăng lũ lụt. Khi các khu vực đô thị phát triển mà không có kế hoạch thoát nước hiệu quả, mưa bão dễ dàng gây ngập úng. Ví dụ tại Thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam) nhiều khu vực bị ngập nặng sau những cơn mưa kéo dài do hệ thống thoát nước không đủ khả năng xử lí. Các con đường biến thành sông, ảnh hưởng đến giao thông, sinh hoạt cảu người dân.
Để giảm thiểu tác động của những hiện tượng này, các quốc gia cần có những biện pháp cấp bách nhằm bảo vệ môi trường, nâng cao khả năng ứng phó thiên tai. Chủ động trong việc ứng phó sẽ giúp con người bảo vệ cuộc sống, tài sản trước thách thức ngày càng lớn của thiên nhiên.
Viet Anh
Bình luận