(TAP) - Sau vụ CEO Telegram Pavel Durov bị bắt tại Pháp, không chỉ châu Âu mà Ấn Độ cũng đang tiến hành rà soát, điều tra hoạt động, ảnh hưởng của nền tảng mạng xã hội Nga đối với người dùng trên khắp lãnh thổ New Delhi.
Gần đây, truyền thông Ấn Độ đã công bố thông báo từ Trung tâm điều phối tội phạm mạng (Cybercrime Coordination Centre) thuộc Bộ Nội vụ (Ministry of Home Affairs, viết tắt: MHA) nước này cho biết, cơ quan đang phối hợp với Bộ Điện tử và Công nghệ Thông tin (Ministry of Electronics and Information Technology, viết tắt: MeitY) tiến hành điều tra Telegram.
Bộ Nội vụ Ấn Độ (Nguồn: Ministry of Home Affairs, Government of India)
Theo CoinDesk - Trang tin tức chuyên về bitcoin và tiền kỹ thuật số nhận định, Telegram là dịch vụ nhắn tin phổ biến nhất được các cá nhân giao dịch tiền điện tử trên khắp thế giới nói chung và Ấn Độ nói riêng tin dùng. Bởi tính bảo mật cao, nhưng tự do và khó kiểm soát, hệ sinh thái tiền ảo trên nền tảng này vẫn đang bị chính quyền New Delhi theo dõi chặt chẽ.
Bên cạnh đó, cuộc điều tra mới đây do MeitY tiến hành dự kiến sẽ tập trung vào khả năng sử dụng sai mục đích của Telegram trong vụ rò rỉ đề thi tuyển sinh vào các trường y khoa Đại học ở quốc gia này ngày 18/6.
Động trái trên diễn ra quyết liệt hơn sau khi CEO của nền tảng mạng xã hội phía Nga - ông Pavel Durov bị bắt giữ tại Pháp ngày 24/8. Tuy nhiên, nó vẫn chỉ dừng lại ở thông báo thay vì kết luận hoặc xác định cụ thể. Do đó, câu hỏi “liệu Telegram có bất kỳ vi phạm nào ở Ấn Độ hay không?” vẫn đang là ẩn số.
Trước cả Ấn Độ, vào ngày 26/8 vừa qua, Ủy ban châu Âu (European Commission, viết tắt: EC) đã mở cuộc điều tra nhằm xem xét lại số lượng người dùng Telegram tại các quốc gia thuộc liên minh EU. Nguyên nhân vì Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (Digital Services Act) hiện nay ở châu Âu quy định, các nền tảng có ít nhất 45 triệu người dùng hoạt động hàng tháng phải được quản lý bởi EC thay vì Chính phủ quốc gia. Trong khi đó, vào tháng 8 vừa qua, phía nền tảng mạng xã hội nước Nga lại từ chối cung cấp số liệu cụ thể.
Báo cáo công bố ngày 1/9 bởi Naik Naik & Co - Công ty tư vấn luật có trụ sở chính tại Mumbai và hoạt động trên khắp Ấn Độ cũng cho biết, trùng với thời điểm ông Pavel Durov bị bắt, Ủy ban Giao dịch Chứng khoán ( Securities Exchange Board of India) nước này đã phát hiện âm mưu thao túng giá cổ phiếu thông qua Telegram.
Telegram hiện đang bị điều tra tại cả châu Âu và Ấn Độ (Nguồn: pexels)
Cụ thể, giá cổ phiếu của một công ty sản xuất tôn thép (chưa công bố tên) đã bị một cá nhân điều hành nhóm Telegram thao túng và nhận được 20 lakh, với mỗi lakh khoảng một trăm nghìn đồng rupee (tiền tệ Ấn Độ).
Trên thực tế, Telegram không phải ứng dụng đầu tiên có nguy cơ bị cấm ở New Delhi. Trước đó vào năm 2020, Ấn Độ đã cấm TikTok cùng với 58 ứng dụng khác từ Bắc Kinh sau vụ xung đột có thương vong giữa binh lính hai nước ở khu vực biên giới. Chính phủ Ấn Độ cũng từng ban hành lệnh hạn chế tạm thời đối với WhatsApp và tăng cường kiểm soát Facebook và X (Twitter) vì lo ngại liên quan đến việc lan truyền tin tức giả mạo và sai lệch.
Đến nay, TikTok vẫn đang bị cấm ở Ấn Độ (Nguồn: pexels)
Quay lại trường hợp Telegram, hãng tin Moneycontrol (Ấn Độ) trích dẫn lời một quan chức Chính phủ khẳng định, Telegram hoàn toàn có thể bị cấm nếu Chính phủ phát hiện có tình trạng lạm dụng sai mục đích trong hoạt động tội phạm. Trong khi đó, tờ Republic News của Ấn Độ công bố nguồn tin thân cận với MHA cho biết, lệnh cấm ngay lập tức khó có thể xảy ra.
Linh Tine
Bình luận