(TAP) - Gần đây, các nhà lập pháp Hàn Quốc đã thông qua dự luật hình sự hóa hành vi sở hữu hoặc xem hình ảnh và video deepfake có nội dung khiêu dâm. Ngoài xử phạt hành chính, người vi phạm còn có nguy cơ đối mặt bản án tù.
Theo thông tin đăng tải trên trang web của Quốc hội Hàn Quốc (대한민국 국회 홈페이지) ngày 26/9 vừa qua (giờ Seoul), tình trạng các nhóm trò chuyện trên Telegram chia sẻ video deepfake (phương tiện tổng hợp được tạo ra từ chân dung người khác) bất hợp pháp cùng nội dung khiêu dâm ngày càng trở nên khó kiểm soát. Ghi nhận của truyền thông nước này (Yonhap News Agency), tính đến ngày 26, cảnh sát Hàn Quốc đã xử lý hơn 800 vụ tội phạm tình dục deepfake.
Thông báo của Quốc hội Hàn Quốc về việc thông qua dự luật hình sự hóa hành vi sở hữu hoặc xem hình ảnh và video deepfake (Nguồn: 대한민국 국회 홈페이지)
Trong khi đó, tờ The Straits Times (Singapore) cho biết con số này của cả năm 2021 - thời điểm dữ liệu lần đầu tiên được thu thập ở xứ sở kim chi chỉ là 156. Nhân viên thực thi pháp luật nói rằng, hầu hết nạn nhân và thủ phạm đều trong độ tuổi thanh thiếu niên. Phải đến đầu tháng 9/2024, cảnh sát nước này mới bắt đầu cuộc điều tra Telegram để xem liệu ứng dụng nhắn tin được mã hóa này có tiếp tay cho việc phát tán nội dung deepfake có nội dung khiêu dâm hay không.
Động thái trên diễn ra sau khi ông Pavel Durov - CEO nền tảng bị cảnh sát Pháp bắt giữ khi hạ cánh xuống sân bay Paris-Le Bourget (thủ đô Paris) ngày 24/8, với cáo buộc liên quan đến các giao dịch bất hợp pháp và nội dung trái phép trên nền tảng. Như TAP News thông tin, sau khi ông Durov tại ngoại, Telegram tiếp tục bị bị EU cân nhắc giám sát chặt chẽ, Ấn Độ xem xét ban hành lệnh cấm và Ukraine hạn chế sử dụng ở các cơ quan.
Trước khi Hàn Quốc mạnh tay với tội hạm deepfake, “Hành động chung nhằm ngăn chặn tội phạm tình dục giả mạo” (딥페이크 성범죄 아웃 공동행동) - Tổ chức tập hợp 71 phụ nữ và các nhóm dân sự, bao gồm Hiệp hội Phụ nữ Seoul (서울여성회) đã tổ chức cuộc họp báo trước Tòa nhà Quốc hội (Yeouido) vào ngày 25. Tại đây, đại diện tổ chức tiết lộ với truyền thông (tờ Hankyoreh), tất cả các dự luật hiện đang được thảo luận (về tội phạm deepfake) sẽ được sửa đổi. Đồng thời, kêu gọi cơ quan đại biểu nhân dân nước này sớm hoàn thiện luật pháp, giải pháp để có chế tài phù hợp.
Các thành viên Hiệp hội Phụ nữ Seoul trước Tòa nhà Quốc hội Hàn Quốc ngày 25 (Nguồn: X “서울여성회”)
Quay lại thông báo mới đây, căn cứ vào Đạo luật Phòng ngừa Bạo lực Tình dục và Bảo vệ Nạn nhân (Sexual Violence Prevention and Victims Protection Act), việc tạo ra các video deepfake có nội dung khiêu dâm nhằm mục đích phát tán có thể bị phạt tù 05 năm hoặc phạt tiền 50 triệu won (hơn 38.000 USD). Ngoài ra, bất kỳ ai mua, lưu trữ hoặc xem những tài liệu tương tự cũng có nguy cơ đối mặt với mức án 03 năm tù hoặc bị phạt tới 30 triệu won (hơn 22.000 USD).
Trên thực tế, nội dung deepfake bất hợp pháp không chỉ là vấn đề của xứ sở kim chi. Những năm qua, nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ cũng đang nỗ lực ứng phó trước sự gia tăng đáng kể của hành vi này. Theo Reuters, Quốc hội Hoa Kỳ đang tranh luận về một số đạo luật, bao gồm phép nạn nhân của video deepfake tình dục được khởi kiện và hình sự hóa việc công bố những hình ảnh trái phép. Luật này cũng sẽ buộc các công ty công nghệ, nền tảng nơi các nội dung nhạy cảm được đăng tải phải tiến hành xóa bỏ.
Không chỉ những nền tảng khó kiểm duyệt như Telegram, vào đầu năm 2024, mạng xã hội “X” (tên gọi cũ là Twitter) cũng từng là nơi nhiều đối tượng xấu lan truyền rộng rãi những hình ảnh khiêu dâm giả mạo của “Taylor Swift”. Đội ngũ nhân viên X khi đó đã phải chặn người dùng tìm kiếm từ khóa tên của nữ ca sĩ như một biện pháp ứng phó.
Ken Nguyen
Bình luận