(TAP) - Lễ Tạ Ơn (ThanksGiving) là một ngày lễ lớn được tổ chức thường niên vào thứ Năm của tuần thứ tư tại các nước: Hoa Kỳ, Canada, một số đảo ở Caribe và Liberia. Đặc biệt, tại Hoa Kỳ, người dân xem ngày lễ này quan trọng như Giáng Sinh nên tổ chức vô cùng rầm rộ.
Nhiều nguồn tin cho rằng, Lễ Tạ Ơn bắt nguồn từ một dịp lễ kỷ niệm tại Plymouth (bang Massachusetts, Hoa Kỳ). Cụ thể, vào khoảng thế kỷ 16 – 17, một số tín đồ Công giáo và Thanh giáo tại Anh bị hoàng đế bắt cải đạo để theo tôn giáo của ông ta. Tuy nhiên, nhóm người này không chấp nhận nên bị tù đày và về sau bị trục xuất khỏi nước Anh. Sau đó, họ di dời đến Hà Lan sinh sống và được gọi là những người hành hương (Pilgrims). Nhưng họ nhanh chóng rời đi vì không thể hòa nhập văn hóa của quốc gia này và lo sợ thế hệ con cháu sẽ bị mất gốc. Từ đó, họ tiếp tục di cư sang châu Mỹ trên con tàu có tên là Mayflower. Họ đặt chân đến thuộc địa Plymouth (New England) khi đang mùa đông. Thời tiết khắc nghiệt cùng với đói rét khiến một nửa trong số 102 người hành hương thiệt mạng. Đến mùa xuân, những người may mắn sống sót được các thành viên của bộ lạc người da đỏ Wampanoag bản địa dạy cách trồng trọt các loại nông sản: ngô, đậu, bí đỏ,... và đánh bắt cá hải sản. Vì muốn tỏ lòng biết ơn đến thành viên của bộ lạc người da đỏ Wampanoag, họ đã tổ chức một bữa tiệc chiêu đãi mừng thu hoạch vụ mùa bội thu. Bữa tiệc tạ ơn này kéo dài trong 3 ngày và vô cùng linh đình bao gồm các món như: ngỗng, tôm hùm, cá tuyết, nai,... Về sau, Lễ Tạ Ơn được Tổng thống Hoa Kỳ thứ 32 Franklin D.Roosevelt thiết lập thành Luật vào năm 1939 và được Quốc hội Hoa Kỳ phê chuẩn vào ngày 26/11/1941.
Ảnh minh họa về bữa tiệc tạ ơn những người hành hương tị nạn thuộc tôn giáo Anh dành cho bộ lạc Wampanoag (Nguồn: HISTORY)
Tại một số quốc gia, Lễ Tạ Ơn được coi như một dịp để “khởi động” mùa Giáng Sinh. Ngược lại, tại Hoa Kỳ, Lễ Tạ Ơn có vị trí quan như ngày Giáng Sinh, thậm chí Lễ Tạ Ơn còn được tổ chức linh đình hơn cả Giáng Sinh. Theo đó, đây là ngày lễ truyền thống của Hoa Kỳ, được xem như ngày các thành viên trong gia đình đoàn viên, xum họp sau một năm học tập, làm việc vất vả. Trên bàn tiệc Lễ Tạ Ơn với ánh nến lung linh, họ thường nắm tay nhau, nhắm mắt lại thầm bày tỏ lòng biết ơn Chúa đã ban phước lành và cầu nguyện cho tương lai luôn tốt đẹp, may mắn.
Nói đến bàn tiệc của Lễ Tạ Ơn thì không bao giờ được thiếu món gà Tây. Theo ước tính tại Hoa Kỳ, đến nay có hơn 50 triệu con gà Tây phục vụ cho Lễ Tạ Ơn. Tuy nhiên, vẫn chưa ai xác định được lý do gà Tây trở thành món ăn truyền thống trong Lễ Tạ Ơn. Một số nhà sử học giả thiết rằng, trong lá thư của các cư dân đến Hoa Kỳ thời kỳ đầu, bữa ăn lịch sử giữa những người khai phá và bộ tộc Wampanoag có thịt bò và một loại thịt gà. Mặc dù không xác định được loại gà nào được sử dụng trong bữa ăn nhưng trong một lá thư của người hành hương Edward Winslow thời ấy có viết về một bữa ăn nổi tiếng vào năm 1621 đề cập đến một cuộc đi săn gà Tây trước bữa ăn tối. Một giả thuyết khác về món gà Tây trong Lễ Tạ Ơn là món ăn này được truyền cảm hứng từ Nữ hoàng Anh Elizabeth I. Trong thế kỷ 16, khi nhận được tin báo về việc một đội tàu chiến của Tây Ban Nha đã chìm trên đường tấn công nước Anh, nữ hoàng vô cùng vui mừng và đã yêu cầu phục vụ thêm một con ngỗng quay trong bữa tối. Những người định cư đầu tiên ở Hoa Kỳ lấy cảm hứng từ sự kiện này quay một con gà Tây.
Gà Tây là món ăn không thể thiếu trên bàn tiệc của Lễ Tạ Ơn (Nguồn: X)
Bên cạnh đó, Lễ Tạ Ơn còn có rất nhiều hoạt động thú vị khác: Tổng thống xá tội cho gà tây, diễu hành với nhiều bóng bay to, hình thù kỳ lạ,...
Sunny Nguyen
Bình luận