Ngày 13/7, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã bắt đầu chuyến công du đến Trung Đông với nỗ lực thuyết phục các đồng minh vùng Vịnh cung cấp thêm dầu và kết nối mối quan hệ giữa Israel cùng Ả Rập Xê Út (Saudi Arabia).
Ông Biden lên máy bay đến Trung Đông. (Ảnh: Reuters)
Theo Báo Tiền Phong (Việt Nam) đưa tin ngày 13/7, Tổng thống Joe Biden sẽ dành ra hai ngày ở Jerusalem để hội đàm với các nhà lãnh đạo Israel, trước khi gặp Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas vào ngày 15/7 ở Bờ Tây.
Sau đó, vị lãnh đạo nước Mỹ tiếp tục đáp chuyến bay thẳng từ Israel đến thành phố Jeddah (Ả Rập Xê Út) tham dự hội đàm cùng nhà chức trách Ả Rập Xê Út và hội nghị thượng đỉnh của các đồng minh vùng Vịnh.
Nhà chức trách Mỹ cho biết, chuyến thăm Trung Đông lần đầu tiên của ông Biden với cương vị tổng thống có thể tạo ra nhiều bước ngoặt mới, tiến tới bình thường hóa giữa Israel và Ả Rập Xê Út. Hai quốc gia này được coi là kẻ thù lịch sử của nhau, nhưng cũng là hai trong số các đồng minh mạnh nhất của Mỹ trong khu vực đầy sóng gió.
Một quan chức Israel cho biết: “Chúng tôi đang từng bước tiến tới mục tiêu đó. Việc Tổng thống Biden đến thăm Israel, song từ đây sẽ bay thẳng tới Ả Rập Xê Út gói gọn rất nhiều động lực đang phát triển trong những tháng qua.”
Ông Biden đến thăm Trung Đông nhằm mục đích thúc đẩy ổn định khu vực, tăng cường hội nhập của Israel trong khu vực, chống lại ảnh hưởng của Iran và sự gây hấn của Nga và Trung Quốc. “Chuyến đi này sẽ củng cố vai trò quan trọng của Mỹ trong một khu vực mang tính chiến lược”, Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan cho biết vào hôm thứ hai ngày 12/7.
Hiện, Tổng thống Biden đang chịu áp lực giảm giá xăng dầu để khống chế tình trạng lạm phát ở Hoa Kỳ đã làm tổn hại đến vị thế của ông trong các cuộc thăm dò dư luận. Ngoài ra, ông cũng dự kiến sẽ thúc ép các đồng minh vùng Vịnh mở rộng khai thác dầu nhằm tăng nguồn cung cho thị trường, giúp hạ giá xăng dầu.
Ngoài ra, trọng tâm chuyến công du của ông Biden là cuộc hội đàm tại thành phố Jeddah với các nhà lãnh đạo Ả Rập Xê Út, bao gồm cả Thái tử Ả Rập Xê út Mohammed bin Salman - người bị cộng đồng tình báo Mỹ cáo buộc đứng sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi của Washington Post năm 2018.
Chuyến đi đến Trung Đông này cho thấy sự đảo ngược quan điểm trước đây mà Tổng Thống Joe Biden từng khẳng định, là biến Ả Rập Xê-út trở thành "kẻ lót đường" cho cái chết của Khashoggi. Do đó, việc Nhà Trắng xử lý thông tin về cuộc họp cùng hình ảnh trong cuộc trò chuyện này sẽ được theo dõi chặt chẽ hơn.
Các trợ lý nói rằng, Tổng thống Biden sẽ đưa ra những quan điểm về nhân quyền khi ở Ả Rập Xê-út, nhưng vẫn nhận hàng loạt các chỉ trích từ nhiều phía.
Đặc biệt là bài viết của nhà báo Fred Ryan (Washington Post) cho rằng, tổng thống “xứ cờ hoa” cần Ả Rập Xê-út để tăng sản lượng dầu của đất nước nhằm khiến giá năng lượng toàn cầu không bị mất kiểm soát. Và chuyến công du này như một thông điệp khi lợi ích thương mại bị đe đoạ thì Hoa Kỳ sẵn sàng làm theo cách khác.
Thiên Bảo (TH)
Bình luận