(TAP) - Tín ngưỡng thờ Mẫu là một nét văn hóa đặc sắc, mang nhiều ý nghĩa cho đời sống tinh thần của người dân Việt Nam. Văn hóa thờ Mẫu tồn tại ở khắp nơi trên đất nước phủ khắp Bắc, Trung, Nam. Đây không chỉ là lòng tôn kính đối với các vị nữ thần mà còn điểm nối tinh thần dân tộc qua nhiều thế hệ. Với sự giao thoa và tiếp biến nhiều nền văn hóa khác đã tạo nên các dạng thức tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam ở Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ.
Tín ngưỡng thờ Mẫu ở miền Bắc
Văn hóa thờ Mẫu nơi đây xuất phát từ tục thờ Nữ thần từ thời tiền sử. Từ trước thế kỷ 15, một số Nữ thần được cung đình hóa và lịch sử hóa qua việc phong thành Mẫu của nhà nước phong kiến. Từ đó xuất hiện hình thức thờ Mẫu thần với danh xưng Quốc Mẫu, Vương Mẫu, Thánh Mẫu. Tiêu biểu như Mẫu Âu Cơ, Quốc Mẫu Tây Thiên, Mẹ Thánh Gióng, Tứ vị Thánh nương, Đinh Triều Quốc Mẫu.
Hình ảnh mẫu Tam phủ. Nguồn: Trang thông tin điện tử của UNESSCO
Khoảng sau thế kỷ 15, hình thức thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ hình thành và phát triển mạnh mẽ. Ở thời kỳ này Đạo Mẫu có một phần ảnh hưởng từ Đạo giáo Trung Quốc. Tứ phủ bao gồm Thánh Mẫu Thượng Thiên, Thánh Mẫu Thoải, Thánh Mẫu Thượng Ngàn, Thánh Mẫu Địa Phủ. Sau có thêm Thánh Mẫu Liễu Hạnh hoàn thiện triết lý thờ Mẫu trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và thần linh của người Việt. Mẫu Liễu Hạnh có quyền uy lớn nhất trong Tam phủ, Tứ phủ gắn liền với lịch sử của dân tộc.
Đạo Mẫu ở miền Trung
Tại miền đất này, tín ngưỡng thờ Mẫu tập trung chủ yếu ở khu vực Nam Trung Bộ. Khác hơn miền Bắc, nơi đây thờ Mẫu là thờ mẹ xứ sở. Tại Huế, ra đời tín ngưỡng Thiên Tiên Thánh Giáo xuất phát từ sự gắn kết của hội Sơn Nam với điện Huệ Nam thời Nguyễn. Hội Sơn Nam là những dân di cư từ Nam Định vào Huế vào thời tiền Nguyễn. Thiên Tiên Thánh Giáo kết hợp văn hóa thờ Mẫu với Đạo Giáo Trung Hoa đã thoái hóa mang nét đặc trưng của hội này.
Còn Huệ Nam điện bản chất là ngôi đền Po Nagar của người Chăm. Sau khi tiếp nhận di tích tôn giáo trên, nhân dân Việt Nam bản địa hóa nữ thần Po Nagar tôn làm thượng đẳng thần Thiên Y A Na. Người là đại diện tiêu biểu của văn hóa thờ Mẫu Nam Trung Bộ.
Ngoài ra, nhân dân còn thờ phụng những Nữ thần như Tứ vị Thánh nương, Bà Ngũ Hành và Mẫu thần như Hỏa Tinh Thánh Mẫu.
Hình ảnh Ngũ hành nương nương. Nguồn: Trang thông tin điện tử của UNESSCO
Văn hóa thờ Mẫu ở miền Nam
Thờ Mẫu ở Nam Bộ có sự tương đồng về bản chất với thờ Mẫu Thoải, Mẫu Địa trong tín ngưỡng Tam phủ, Tứ phủ. Giống như miền Trung, người miền Nam thờ Mẫu là thờ mẹ xứ sở. Điển hình có Bà Chúa Xứ, là sự kết hợp giữa Mẫu và nữ thần Đất của người Khmer Nam Bộ.
Hay ở núi Bà Đen, chủ thần chính là Bà Đen. Hình tượng của bà giao thoa giữa nữ thần Po Nagar của người Chăm và nữ thần Neang Khmau của người Khmer. Khác biệt so với hai vùng còn lại, ở một số vùng ở miền Nam còn có các cô linh ứng như Cô Năm Châu Đốc, Cô Hai Châu Đốc, Cô Hai Hiên, Cô Sáu. Ngoài ra, những Nữ thần như Ngũ Hành nương nương, Tứ vị Thánh nương, Bà Thủy Long, Bà Chúa Động, Bà Tổ Cô, Bà Cố Hỷ và Mẫu thần Thiên Hậu cũng được người dân miền Nam thờ phụng.
Hình thức thờ Nữ thần và Mẫu thần khu vực Nam Bộ không phân biệt quá rõ rệt qua tên gọi và xuất thân. Nguyên nhân do đây là vùng đất mới của người Việt, khi vào đây dân di cư vừa tín ngưỡng truyền thống vừa tiếp nhận ảnh hưởng phong tục của cư dân sinh sống từ trước. Điều này tạo nên sự phong phú và đa dạng trong văn hóa thờ Mẫu.
Minh Minh
Bình luận