(TAP) - Tọa lạc giữa những cánh đồng bát ngát của xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang (Việt Nam), Phụng Hoàng Sơn nổi bật như một viên ngọc quý giữa dãy Thất Sơn hùng vĩ. Với độ cao 614 mét so với mực nước biển, đây cũng là ngọn núi cao thứ hai trong dãy Thất Sơn, sở hữu vẻ đẹp hoang sơ cùng nhiều câu chuyện huyền bí.
Quang cảnh ngon núi “Phụng Hoàng” nhìn từ xa (Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh An Giang)
Phụng Hoàng Sơn (còn được gọi bằng tên là núi Cô Tô hoặc núi Tô) sở hữu nhiều truyền thuyết giải thích về sự hình thành và tên gọi chính thức. Theo một số câu chuyện dân gian, các nàng tiên thường hạ phàm xuống vùng Thất Sơn vào những đêm trăng sáng để dạo chơi và vui đùa. Trong một lần chơi trò ném đá, sáng hôm sau, một ngọn núi đá chồng chất lên nhau đã hình thành nên Phụng Hoàng Sơn.
Một truyền thuyết khác cho rằng ngọn núi có hình dáng giống như cái tô lật úp, do đó có tên gọi là núi Tô. Giả thuyết khác nói rằng, ngọn núi này xưa kia là nơi trú ngụ của nhiều loài chim đẹp, trong đó có chim phụng hoàng - loài linh điểu chỉ xuất hiện trong truyền thuyết. Hình dáng của ngọn núi được giống như chim phụng hoàng khổng lồ đang sải cánh giữa đồng bằng, từ đó có tên gọi Phụng Hoàng Sơn ra đời.
Bên cạnh vẻ đẹp tự nhiên kỳ vĩ, Phụng Hoàng Sơn còn chứa đựng nhiều câu chuyện huyền thoại đặc sắc. Một trong những địa điểm thú vị là tảng đá có hình dạng giống chiếc thuyền lớn, dân gian gọi là “Mũi Tàu”. Theo truyền thuyết, đây là một chiếc thuyền đã gặp nạn và hóa thành đá. Hay “Điện Năm Căn” - ngôi điện nhỏ nằm dưới những vồ đá lớn và bóng cây cổ thụ, được cho là nơi nghỉ chân của các “chúa tể sơn lâm” vùng Thất Sơn. “Sân Tiên”, nơi lưu giữ dấu chân khổng lồ in hằn trên đá, được truyền tụng là dấu chân của các Tiên ông. Những câu chuyện này không chỉ làm phong phú thêm văn hóa dân gian mà còn thu hút du khách đến khám phá.
Ngoài những truyền thuyết bí ẩn, Phụng Hoàng Sơn còn ghi dấu ấn với nhiều kỳ tích lịch sử, chùa chiêng, miếu xứ,... Các ngôi chùa như Vân Long và Bồng Lai không chỉ là điểm đến tâm linh mà còn là chứng nhân cho những giai đoạn thăng trầm của người dân miền “Bảy Núi” (tức Thất Sơn).
Về cảnh quan tự nhiên, Phụng Hoàng Sơn cũng sở hữu vẻ đẹp khó có nơi nào sánh được. Từ hai tảng đá lớn gọi là vồ Hội lớn và vồ Hội nhỏ, du khách có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh cánh đồng lúa Tà Pạ, hiện lên như một bức tranh hoàn hảo của thiên nhiên. Dưới chân núi, hồ Soài So với mặt nước trong veo và phẳng lặng tạo nên cảnh “sơn thủy” tĩnh lặng. Hồ Soài So còn được cung cấp nước từ suối Vàng trên đỉnh núi, nơi có những hạt cát vàng lấp lánh, làm cho hồ trở nên đặc biệt.
Hồ Soài So thơ mộng và đầy bí ẩn bên dưới chân Phụng Hoàng Sơn (Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh An Giang)
Gần đây, khu vực Sân Tiên đã xây dựng một biểu tượng chữ “TRI TÔN” cao 7m với hệ thống đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời và hàng rào bảo vệ. Biểu tượng này không chỉ là điểm check-in hấp dẫn cho du khách mà còn là một biểu tượng nổi bật của huyện Tri Tôn, mời gọi mọi người đến khám phá vẻ đẹp kỳ diệu của Phụng Hoàng Sơn và vùng đất Bảy Núi. Từ chân núi, du khách có thể dễ dàng nhìn thấy và chụp hình biểu tượng chữ “TRI TÔN”, tạo nên những bức ảnh ấn tượng và lưu giữ những kỷ niệm đáng nhớ.
Đến du lịch Phụng Hoàng Sơn, du khách có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh cánh đồng lúa Tà Pạ như một bức tranh hoàn hảo giữa thiên nhiên (Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh An Giang)
Phụng Hoàng Sơn không chỉ là một địa danh nổi bật trong hệ thống núi Thất Sơn mà còn là điểm đến đầy hấp dẫn cho những ai yêu thích khám phá thiên nhiên và tìm hiểu các giá trị văn hóa, lịch sử địa phương nói riềng và Việt Nam nói chung. Với sự kết hợp hoàn hảo giữa vẻ đẹp hoang sơ, truyền thuyết huyền bí và di tích lịch sử, ngọn núi này hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm tuyệt vời và đáng nhớ.
Nhu Torido
Bình luận