(TAP) - Sau 06 tuần cân nhắc kỹ lưỡng, chính quyền ông Donald Trump sẽ chính thức hủy bỏ 83% các chương trình của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Con số này tương đương với 5.200 hợp đồng, trị giá hàng chục tỷ USD nhằm cắt giảm những chi tiêu không phù hợp, thậm chí trong một số trường hợp còn gây hại cho Washington, D.C.
Truyền thông trong nước – CBS News ngày 10/3 dẫn lời Ngoại trưởng (Department of State, viết tắt: DOS) Hoa Kỳ - ông Marco Rubio thông báo, khoảng 83% chương trình liên quan đến Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (United States Agency for International Development, viết tắt: USAID) sẽ bị loại bỏ. Quyết định này phản ánh cam kết của chính quyền ông Donald Trump, dẫn đầu là Bộ Hiệu quả Chính phủ (Department of Government Efficiency, viết tắt: DOGE) trong việc cắt giảm các khoản chi không hiệu quả. Theo lãnh đạo DOS, những chương trình USAID bị loại bỏ đã tiêu tốn một lượng lớn ngân sách quốc gia, song không mang lại giá trị thiết thực nào, thậm chí một số trường hợp còn gây hại cho Hoa Kỳ.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio tuyên bố hủy bỏ 83% chương trình của USAID và chuyển giao các chương trình còn lại cho Bộ Ngoại giao quản lý (Nguồn: “@marcorubio”)
Ngoại trưởng Rubio cũng cho biết, ước tính 1.000 chương trình còn lại của USAID vẫn sẽ được chuyển giao cho DOS quản lý. Đây là một bước đi quan trọng trong việc tái cơ cấu USAID, đồng thời tăng cường kiểm soát và đảm bảo các gói viện trợ phù hợp chiến lược hơn trong nhiệm kỳ lần này của Tổng thống Donald Trump.
Tuyên bố của ông Marco Rubio được đưa ra trong bối cảnh ông Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp vào tháng 1/2025 yêu cầu đóng băng mọi khoản viện trợ nước ngoài của Hoa Kỳ trong vòng 90 ngày. Trong khoảng thời gian này, lãnh đạo Nhà Trắng sẽ đánh giá lại các khoản chi tiêu ở nước ngoài cũng như đảm bảo mọi viện trợ đều có mục đích rõ ràng, phục vụ cho lợi ích quốc gia. Trong khi đó, nhóm có quan điểm đối lập lại cho rằng, viện trợ nước ngoài đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự ổn định toàn cầu, giải quyết vấn đề như y tế, đói nghèo, biến đổi khí hậu, gián tiếp thể hiện cam kết và hiện diện của Washington, D.C, đặc biệt ở các nước khó khăn, kém phát triển.
Nhu Torido