Đối ngoại của Iran sau khi có tân Tổng thống: Cởi mở hơn với Hoa Kỳ và thế giới?
Tin Quốc Tế

Đối ngoại của Iran sau khi có tân Tổng thống: Cởi mở hơn với Hoa Kỳ và thế giới?

(TAP) - Sau khi đắc cử, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian sẽ đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế đang xảy ra ở nước này. Trong bối cảnh đó, người đứng đầu chính quyền Tehran cho thấy động thái muốn ngoại giao cởi mở hơn với các cường quốc lớn, trong đó có Hoa Kỳ.

Thông tin từ Viện Hòa bình Hoa Kỳ (United States Institute of Peace, viết tắt: USIP) tổ chức liên bang có nhiệm vụ thúc đẩy giải quyết và ngăn chặn xung đột trên toàn thế giới, đăng tải ngày 9/7 vừa qua, trước đó vào tháng 5/2024, Iran phải trải qua mất mát lớn khi Tổng thống đương nhiệm nước này - ông Ebrahim Raisi qua đời vì tai nạn trực thăng. USIP được Quốc hội thành lập vào năm 1984 do Tổng thống Hoa Kỳ thứ 40 - ông Ronald Reagan ký ban hành.

Ngay khi ông Ebrahim Raisi qua đời, chính quyền Tehran (thủ đô Iran) đã tổ chức cuộc bầu cử tổng thống bất thường vào ngày 5/7 vừa qua, với kết quả phần thắng thuộc về Masoud Pezeshkian - người có quan điểm tương đối ôn hòa so với ứng cử viên xếp sau Saeed Jalili, cá nhân theo đường lối cứng rắn.

Trước khi đắc cử, ông Pezeshkian từng là chuyên gia phẫu thuật tim với học vị Tiến sĩ, kiêm Bộ trưởng Bộ Y tế của cơ quan Chính phủ Iran.

Đối ngoại của Iran sau khi có tân Tổng thống: Cởi mở hơn với Hoa Kỳ và thế giới?

Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian (Nguồn: Cơ sở thông tin của Tiến sĩ Masoud)

Về chính sách đối nội của Iran trong thời gian tới, chuyên gia USIP cho biết, ông Pezeshkian ủng hộ những thay đổi về văn hóa, bao gồm chỉ trích luật buộc phụ nữ đội khăn trùm đầu hijab (đặc trưng của Hồi giáo) và vấn đề kiểm duyệt mạng internet. Thông qua Bộ trưởng nội vụ, tức người đứng đầu Hội đồng tối cao của Cách mạng Văn hóa (Council of the Cultural Revolution), tân Tổng thống Iran cho rằng, lệnh cấm đối với “X” (Twitter cũ) và các nền tảng truyền thông xã hội ở quốc gia này nên chấm dứt.

Không chỉ cởi mở hơn về văn hóa và tiếp cận công nghệ, Tổng thống Pezeshkian cũng kêu gọi đưa thêm nhiều các nhóm thiểu số dân tộc và tôn giáo vào làm việc tại cơ quan Chính phủ.

Về chính sách đối ngoại, ông Pezeshkian kêu gọi cải thiện quan hệ với phương Tây và khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với 06 cường quốc trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ. Ông lập luận rằng việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và đầu tư nước ngoài là điều cần thiết để tăng trưởng kinh tế.

Động thái trở lại đàm phán với Hoa Kỳ và các cường quốc về chương trình hạt nhân thực tế từng diễn ra dưới thời vị Tổng thống trước. Quay lại giai đoạn ông Ebrahim Raisi còn tại vị, Iran đã tham gia vào các cuộc đàm phán hạt nhân trong gần một năm, nhưng kết quả đã từ chối thỏa thuận cuối cùng do Liên minh châu Âu (EU) trình bày vào tháng 8/2022.

USIP nhận định, việc kêu gọi tham gia nhiều hơn với thế giới bên ngoài, bao gồm cả phương Tây phản ánh mối quan hệ chặt chẽ giữa cố vấn của ông Pezeshkian - Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif với Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry bất chấp quan hệ Washington, D.C - Tehran phát sinh vấn đề trong nhiều thập kỷ qua.

Về chính sách ngoại giao trong khu vực, ông Pezeshkian kêu gọi giảm căng thẳng với các nước láng giềng để thúc đẩy thương mại và du lịch. Chuyên gia nhận định, đây là tín hiệu cho thấy người đứng đầu Tehran muốn xích lại gần hơn với Ả Rập Xê Út (Saudi Arabia).

Vào năm 2016, Iran và Saudi Arabia đã cắt đứt quan hệ ngoại giao sau khi một giáo sĩ Tehran bị chính quyền Riyadh (thủ đô Saudi) xử tử. Người biểu tình Iran đã trả đũa bằng cách tham gia đốt cháy Đại sứ quán đối phương khiến căng thẳng hai nước leo thang. Mặc dù tương đối cởi mở cùng láng giềng châu Á, Tổng thống Pezeshkian vẫn duy trì lập trường cứng rắn đối với Israel.

Đối ngoại của Iran sau khi có tân Tổng thống: Cởi mở hơn với Hoa Kỳ và thế giới?

Tân Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian thể hiện thái độ ngoại giao cởi mở hơn với Hoa Kỳ và Thế giới (Nguồn: Cơ sở thông tin của Tiến sĩ Masoud)

Một vấn đề khác được người dân Iran quan tâm là chính sách của tân Tổng thống đối với cuộc khủng hoảng kinh tế, lạm phát dai dẳng, tỷ lệ thất nghiệp cao, tham nhũng và quản lý yếu kém đang diễn ra ở nước này. Theo đánh giá từ USIP, ông Pezeshkian cam kết sẽ minh bạch trong chi tiêu của chính phủ, đồng thời, cắt giảm sự phình to của ngân sách công và thực thi nhiều chính sách chống tham nhũng.

Tân Tổng thống Iran hứa sẽ đưa các chuyên gia giàu kinh nghiệm trở lại để quản lý nền kinh tế. Tuy nhiên, ông Pezeshkian cũng quan ngại, tốc độ tăng trưởng dự kiến có thể bị hạn chế nếu Iran không được sự nới lỏng lệnh trừng phạt từ Hoa Kỳ và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế đối với cáo buộc rửa tiền.

Therion Son

Bình luận