(TAP) - Vào năm 2025, tình hình dịch bệnh toàn cầu tiếp tục phát triển phức tạp, với những nguy cơ từ các bệnh truyền nhiễm mới, đặc biệt là các bệnh lây từ động vật sang người, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Nhân dịp Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh (27/12), Bộ Y tế Việt Nam tổ chức hội nghị tổng kết công tác kiểm soát dịch bệnh năm 2024, đồng thời xác định các mục tiêu quan trọng cho năm 2025. Báo cáo tại hội nghị chỉ ra những mối nguy hiểm tiềm tàng từ các căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, và những bệnh có khả năng lây truyền từ động vật sang người.
Toàn cảnh hội nghị. Nguồn: Cổng thông tin Bộ Y tế Việt Nam
Năm 2024, cộng đồng quốc tế phải đối mặt các đợt bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng như đậu mùa khỉ (mpox), dịch tả, bại liệt, và virus Marburg. Những sự kiện này cảnh báo về sự nguy hiểm của bệnh truyền nhiễm và tầm quan trọng của việc duy trì cảnh giác. Trong khi tại Việt Nam, tình hình dịch bệnh nói chung được kiểm soát, một số bệnh như sởi, ho gà, dại, sốt xuất huyết, bạch hầu ghi nhận các ca tăng đột biến ở một số địa phương. Bên cạnh đó, hậu quả đại dịch Covid-19 còn hiện hữu, làm giảm tỷ lệ tiêm vaccine, từ đó khiến các bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine có xu hướng tái phát.
Bộ Y tế dự báo vào năm 2025, các thách thức trong công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm càng trở nên phức tạp. Biến đổi khí hậu, quá trình đô thị hóa, và sự gia tăng giao thương quốc tế tạo ra những điều kiện thuận lợi cho các bệnh như sốt xuất huyết phát triển mạnh mẽ trong cộng đồng toàn cầu. Đồng thời, bệnh tay chân miệng tiếp tục là mối đe dọa lớn đối với trẻ em, khi thiếu thuốc điều trị đặc hiệu và công tác phòng bệnh tại các cơ sở giáo dục mầm non chưa được chú trọng đúng mức. Tình trạng dịch sởi, cùng các bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine, không có nhiều tiến triển khả quan khi tỷ lệ tiêm chủng chưa đủ cao để tạo miễn dịch cộng đồng.
Ngoài ra, bệnh dại là một vấn đề nghiêm trọng với tỷ lệ tử vong cao, chủ yếu do quản lý đàn chó, mèo chưa hiệu quả và ý thức tiêm phòng dại còn hạn chế. Các bệnh truyền nhiễm mới nổi như mpox, cúm gia cầm độc lực cao tiềm ẩn nguy cơ bùng phát khi các tác nhân gây bệnh từ động vật phổ biến ở nhiều khu vực.
Ảnh minh họa
Để đối phó những thách thức này, Bộ Y tế đề ra một loạt giải pháp toàn diện nhằm kiểm soát dịch bệnh với trọng tâm nâng cao năng lực dự báo, giám sát và phát hiện sớm các ổ dịch. Các chương trình tiêm chủng đẩy mạnh, đặc biệt tại các vùng khó khăn, để tăng tỷ lệ bao phủ vaccine. Công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cũng được chú trọng, mục tiêu nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng ngừa bệnh tật.
Bộ Y tế mở rộng hợp tác các tổ chức quốc tế, nâng cao năng lực ứng phó khẩn cấp, đảm bảo bảo vệ sức khỏe cộng đồng và an ninh y tế quốc gia. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức và cộng đồng là yếu tố quan trọng nhất trong việc ứng phó các nguy cơ dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe người dân Việt Nam trong năm 2025.
Trang Thanh
Bình luận