EU muốn nâng cấp quan hệ ngoại giao với Việt Nam lên tầm cao mới
Tin Việt Nam

EU muốn nâng cấp quan hệ ngoại giao với Việt Nam lên tầm cao mới

(TAP) - Đó là phát biểu của Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, kiêm Đại diện cấp cao của Liên minh về Chính sách đối ngoại và an ninh - ông Josep Borrell Fontelles trong buổi trò chuyện cùng Chủ tịch nước Tô Lâm.

Trang thông tin điện tử Văn phòng Chủ tịch nước Việt Nam đăng tải ngày 30/7 vừa qua (giờ Hà Nội) cho biết, từ ngày từ ngày 29 - 31/7, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (European Commission, viết tắt: EC), Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (European Union, viết tắt: EU) về Chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell Fontelles đã có chuyến ghé thăm và làm việc tại Hà Nội. Hoạt động ngoại giao theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

EU muốn nâng cấp quan hệ ngoại giao với Việt Nam lên tầm cao mới

Toàn cảnh cuộc gặp giữa đại diện EU và lãnh đạo Việt Nam (Nguồn: Văn phòng Chủ tịch nước Việt Nam)

Trước đó vào ngày 25/7), Phó Chủ tịch EC Josep Borrell Fontelles cũng đã có chuyến đi đến Hà Nội để tham dự tang lễ Quốc tang của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. EU cho biết, ông Borrell dự kiến có hoạt động ngoại giao đến Việt Nam từ ngày 29, tuy nhiên, ông đã điều chỉnh lịch trình để góp mặt và chia buồn cùng gia đình thân quyến lãnh đạo tối cao và nhân dân Việt Nam.

Trao đổi tại Văn phòng Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm, Phó Chủ tịch EC Josep Borrell Fontelles cho biết ấn tượng trước những thành tựu Đổi mới của Việt Nam. Đồng thời, đánh giá cao Việt Nam có chính sách đối ngoại cân bằng, ủng hộ các mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, với thu nhập cao vào năm 2045 cũng như trung hòa carbon vào năm 2050.

Phó Chủ tịch EC, Đại diện cấp cao EU về Chính sách đối ngoại và An ninh Josep Borrell Fontelles và Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm (Nguồn: Văn phòng Chủ tịch nước Việt Nam)

Đại diện cấp cao của EU khẳng định xem Việt Nam là đối tác hàng đầu tại khu vực hiện tại và trong tương lai. Cũng theo Chủ tịch Borell, liên minh đang triển khai mạnh mẽ một số chiến lược, sáng kiến hợp tác, trong đó có các dự án hợp tác với ASEAN. Tại Việt Nam, trong khuôn khổ sáng kiến “Cửa ngõ Toàn cầu” của EU, châu Âu mong muốn nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên tầm cao mới.

Theo thông tin từ Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, “Cửa ngõ Toàn cầu” là một chiến lược của EU nhằm thu hẹp thiếu hụt nguồn lực đầu tư trên toàn thế giới, thúc đẩy kết nối sạch, an toàn và thông minh với các đối tác trong lĩnh vực: Kỹ thuật số, năng lượng và giao thông, tăng cường hệ thống y tế, giáo dục, nghiên cứu,…

Về phía chính quyền Hà Nội, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng khẳng định, EU là đối tác quan trọng của Việt Nam, đánh giá mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với EU phát triển tích cực thời gian qua. Điều này được thể hiện ở việc đôi bên đã triển khai hiệu quả nhiều thỏa thuận và cơ chế hợp tác, đối thoại.

EU mong muốn nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên tầm cao mới (Nguồn: Văn phòng Chủ tịch nước Việt Nam)

Sau 4 năm thực thi (2020), Việt Nam cho biết, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EU–Vietnam Free Trade Agreement, viết tắt: EVFTA) mang lại nhiều sức bật mới cho thương mại - đầu tư, giúp đất nước hình chữ “S” thành đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khối Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Association of Southeast Asian Nations, viết tắt: ASEAN).

Phía Việt Nam đề nghị đôi bên tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, triển khai hiệu quả các thỏa thuận, cơ chế hợp tác, trong đó có EVFTA. Chủ tịch nước Tô Lâm cũng đề nghị EU thúc đẩy các nước thành viên còn lại sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EU-Vietnam Investment Protection Agreement, viết tắt: EVIPA); sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU đối với hải sản xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục duy trì ODA (Official Development Assistance) - hình thức đầu tư nước ngoài, giúp Việt Nam;…

Bên cạnh đó, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng hoan nghênh các chiến lược, sáng kiến hợp tác với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của EU. Việt Nam khẳng định sẵn sàng làm cầu nối của liên minh với khu vực, trong đó có tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược EU - ASEAN.

Cũng trong buổi trò chuyện, đôi bên đã trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực quan tâm. Đặc biệt về tình hình Biển Đông (East Sea), EU và Việt Nam khẳng định tiếp tục ủng hộ an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không. Đồng thời, thống nhất giải quyết các xung đột bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.

Kane Nguyen

 

 

 

Bình luận