Gần 19.000 tỷ VND bốc hơi: Việt Nam báo động lừa đảo trực tuyến
Tin Việt Nam

Gần 19.000 tỷ VND bốc hơi: Việt Nam báo động lừa đảo trực tuyến

(TAP) - Theo báo cáo nghiên cứu, khảo sát an ninh mạng 2024 từ Ban Công nghệ thuộc Hiệp hội An ninh mạng quốc gia Việt Nam, tình trạng lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam đang ở mức báo động. Cuộc khảo sát thực hiện từ ngày 28/11 đến 14/12, thu hút hơn 59.000 người tham gia cho thấy chiêu trò lừa đảo không ngừng gia tăng và ngày càng tinh vi. Trong năm 2024, hàng trăm nghìn người dùng Việt Nam bị tấn công trực tuyến với tổng thiệt hại ước tính gần 19.000 tỷ đồng.

Một con số đáng chú ý ở báo cáo: cứ 220 người dùng sẽ có một người bị lừa. Điều này phản ánh mức độ phổ biến của hình thức lừa đảo trực tuyến. Tuy nhiên, thực tế đáng buồn là rất ít người có thể lấy lại tiền sau khi đã mất. Thêm vào đó, các đối tượng lừa đảo tìm ra những chiêu thức tinh vi, gây tổn thất nghiêm trọng cho nạn nhân.

 Gần 19.000 tỷ VND bốc hơi: Việt Nam báo động lừa đảo trực tuyến

Ảnh minh họa

Tại Việt Nam, ba hình thức lừa đảo phổ biến nhất hiện nay bao gồm: kêu gọi đầu tư vào sàn giao dịch tài chính không rõ nguồn gốc; giả mạo cơ quan chức năng như công an, tòa án, ngân hàng để đe dọa hoặc yêu cầu chuyển tiền; thông báo trúng thưởng, khuyến mãi hấp dẫn, nhưng thực chất chỉ là chiêu trò lừa đảo. Kết quả khảo sát cho thấy hơn 70% người dùng từng nhận lời mời đầu tư vào sàn giao dịch không rõ ràng, 62% gặp phải cuộc gọi mạo danh cơ quan chức năng và 60% nhận thông báo trúng thưởng mập mờ.

Đáng chú ý, thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi nhờ công nghệ hiện đại. Các đối tượng lừa đảo lợi dụng trí tuệ nhân tạo (AI), deepfake để giả mạo hình ảnh, giọng nói người thân, đồng nghiệp hoặc cơ quan chức năng, tạo lòng tin với nạn nhân. Công nghệ chatbot, phần mềm gọi điện tự động giúp kẻ lừa đảo tiếp cận nhiều người cùng lúc, khiến việc phát hiện và ngăn ngừa càng khó khăn.

Mặc dù phương thức lừa đảo càng tinh vi, người dùng Việt Nam vẫn thiếu cảnh giác. Theo thống kê khảo sát, dù 88,98% người dùng ngay lập tức trao đổi với người thân, bạn bè khi gặp phải lừa đảo, chỉ 45,69% báo cáo sự việc với cơ quan chức năng. Con số này phản ánh thiếu chủ động trong việc ngăn chặn hành vi phạm pháp, bảo vệ quyền lợi cá nhân.

Các chuyên gia Hiệp hội An ninh mạng quốc gia Việt Nam cảnh báo vào thời gian tới, tình trạng lừa đảo trực tuyến sẽ nghiêm trọng hơn khi những công nghệ mới như blockchain, AI, deepfake tiếp tục phát triển. Công cụ tạo nội dung giả mạo cũng ngày càng tiến tiến khiến việc nhận diện lừa đảo khó khăn hơn bao giờ hết. Vì vậy, người dùng cần duy trì thái độ cảnh giác cao, báo cáo kịp thời hành vi lừa đảo, chủ động trang bị kiến thức bảo mật, sử dụng công cụ bảo vệ mạnh mẽ và cẩn trọng tham gia giao dịch trực tuyến.

Phương Vi

Bình luận