Hoa Kỳ: Cẩn trọng hành vi lừa tiền nhận làm visa định cư lao động
Tin Hoa Kỳ

Hoa Kỳ: Cẩn trọng hành vi lừa tiền nhận làm visa định cư lao động

(TAP) - Khi nhu cầu định cư và lao động tại Hoa Kỳ tăng cao, không ít những cá nhân, tổ chức đã lợi dụng việc này để nhận tiền làm visa định cư diện EB3 sau đó lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Theo thông tin du học sinh Việt Nam có tên “Nguyet Bui” đăng trong nhóm Facebook “EB3 - Visa Lao Động Định Cư Mỹ”, vào tháng 9/2023, người này có đăng ký làm hồ sơ EB3 (visa lao động kết hợp định cư Hoa Kỳ) và đóng phí cho Công ty Truly Wonder - doanh nghiệp do một phụ nữ tên “Cathy Nguyen” làm chủ. Sau khi đã cọc số tiền 10.000 USD và chờ đợi suốt 2 tháng, Nguyet Bui có liên hệ Cathy Nguyen để hỏi về tiến độ.

Sau nhiều lần né tránh, du học sinh này phát hiện chủ doanh nghiệp chưa nộp hồ sơ làm LC (Labor certification – Giấy chứng nhận lao động) theo thỏa thuận. Nhận thấy đại diện phía Truly Wonder không thực hiện đúng cam kết, Nguyet Bui yêu cầu Cathy Nguyen hoàn lại toàn bộ số tiền và được người phụ nữ này hứa sẽ trả đủ. Để làm tin, Cathy Nguyen còn làm đơn xác nhận, đồng thời yêu cầu Nguyet Bui mang đi công chứng.

Tuy nhiên, Cathy Nguyen đã “lật lọng” chỉ đồng ý chuyển lại số tiền 6.400 USD. Khoản cấn trừ (khoảng 30%) được đại diện doanh nghiệp giải thích là “phí luật sư” dù thực tế hồ sơ lao động vẫn chưa được mở, nạn nhân bức xúc cho biết.

 visa định cư lao động

Nhận 10.000 USD tiền cọc nhưng không nộp hồ sơ lao động, người phụ nữ tên “Cathy Nguyen” bị phốt lừa đảo. Ảnh: Facebook

Cũng trên nhóm Facebook “EB3 - Visa Lao Động Định Cư Mỹ”, tài khoản “Lê Đại” - Quản trị viên có chia sẻ bài viết phản ánh vụ một phụ nữ tên “Đặng Thị Kim Oanh” (Facebook “Bee Dang”, “IBee Dang”) tự xưng làm dịch vụ di trú EB3, rồi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều cá nhân.

Theo nội dung người này đăng tải, bà Oanh làm LC cho Consolidated Catfish Producers, LCC (bang Alabama) - doanh nghiệp sản xuất da cá. Bà Oanh chỉ nhận tiền mà không giúp khách được cấp LC khiến họ bất bình, đăng bài bóc phốt trong nhóm. Người phụ nữ này sau đó đã thỏa thuận trả lại tiền và yêu cầu các nạn nhân xóa bài viết để mọi việc được êm xuôi.

Tuy nhiên, bên cạnh những người may mắn được giải quyết, vẫn còn rất nhiều trường hợp từng tin tưởng, chuyển tiền cho người phụ nữ này làm LC từ năm 2022 đến nay vẫn chưa được hoàn trả phí, Quản trị viên nhóm cho biết.

 Hoa Kỳ: Cẩn trọng hành vi lừa tiền nhận làm visa định cư lao động

Admin nhóm “EB3 - Visa Lao Động Định Cư Mỹ” cảnh báo hành vi lừa đảo của người phụ nữ tên “Đặng Thị Kim Oanh”. Ảnh: Facebook

Hành vi của bà Oanh cũng bị một tài khoản khác tên “GB Huỳnh Trọng Sơn” phản ánh trong nhóm. Người này bổ sung, một số trường hợp chuyển tiền làm LC cho bà Oanh nhận được mã code (để theo dõi tiến độ hồ sơ trên website) có ký tự lạ, bắt đầu bằng chữ “P-xxxx-xxxx”. Người này giải thích, Cơ quan Quản lý việc làm và đào tạo (Employment and Training Administration) thuộc Bộ Lao động (Department of Labor, viết tắt: DOL) Hoa Kỳ quy định, mẫu 9089 (Form 9089) xin LC phải có định dạng: “A-xxxx-xxxx”.

Một số khách do bà Oanh nộp hồ sợ bị kiểm toán (audit) thông tin tại DOL. Nhiều trường hợp khác nhận đúng mã code (được DOL duyệt) thì lại bị người phụ nữ này dùng công cụ điều chỉnh hình ảnh (photoshop) thay đổi ngày tháng cấp.

Trước hàng loạt phản ánh nêu trên, Quản trị viên nhóm đã tiến hành liên hệ những cá nhân bị phản ánh lừa đảo, khuyên các đối tượng này nhanh chóng hoàn tiền cho nạn nhân nhưng không nhận được sự hợp tác.

Có thể thấy, mong muốn định cư và tìm kiếm công việc ổn định tại Hoa Kỳ đã trở thành “miếng mồi ngon” để nhiều đối tượng lợi dụng lừa đảo. Họ thường đưa ra những lời mời hấp dẫn với cam kết hoàn thành hồ sơ nhanh chóng và dễ dàng. Tuy nhiên, sau khi nhận được cọc, các đối tượng này lập tức biến mất, có hành động né tránh hoặc câu kéo thời gian khiến nạn nhân lâm vào tình trạng “tiền mất, tật mang”.

Cộng đồng cần tỉnh táo, cẩn trọng khi có nhu cầu làm dịch vụ định cư nói chung, đặc biệt là EB3 nói riêng. Người lao động có thể tìm hiểu thêm thông tin trên các website của chính phủ Hoa Kỳ nhằm tránh trường hợp thiếu hiểu biết trở thành nạn nhân của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bruno Ha

 

Bình luận