Lễ Công bố khởi động thảo luận về Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF) vừa được tổ chức tại Nhật Bản hứa hẹn sẽ tạo ra tầm nhìn mới cho khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Với mục đích hướng đến sự hợp tác bền vững và bao trùm, trở thành động lực phát triển kinh tế toàn cầu.
Chiều ngày 23/05/2022, Lễ Công bố khởi động thảo luận về Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF) đã diễn ra tại Tokyo (Nhật Bản) theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Buổi lễ có sự tham gia của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Bộ trưởng kinh tế các nước như: Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines và lãnh đạo Bộ Ngoại giao Australia.
Buổi lễ diễn ra theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Ảnh: Reuters
Tại lễ khởi động, lãnh đạo các nước thống nhất xây dựng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương phát triển theo hướng mở cửa, bao trùm, kết nối và công bằng dựa trên luật lệ tự cường, an ninh, thịnh vượng. Trong đó đề cao vai trò trung tâm của tổ chức ASEAN, đặc biệt là sẵn sàng tham gia hợp tác tăng cường vào quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19, nâng cao tính cạnh tranh, thích ứng, góp phần ổn định, phát triển, hòa bình và thịnh vượng chung cho khu vực. Thời gian tới, những thảo luận của IPEF sẽ tập trung vào 04 nội dung chính: thương mại; chuỗi cung ứng; năng lượng sạch, phi cacbon hóa và cơ sở hạ tầng; thuế và chống tham nhũng.
Tham dự buổi lễ thông qua hình thức trực tuyến Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính phát biểu, Việt Nam khẳng định đường lối phát triển, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn liền với chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, có hiệu quả. Đồng thời, tích cực tham gia sáng kiến liên kết kinh tế quốc tế, đóng góp vào nỗ lực chung đẩy nhanh tiến độ phục hồi kinh tế khu vực và thế giới. Ngoài ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính còn đề nghị, IPEF cần thực hiện khuôn khổ hợp tác mang lại nhiều lợi ích thiết thực đến người dân, phù hợp với luật pháp quốc tế và đáp ứng lợi ích hợp pháp, chính đáng cho các bên liên quan. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh, Việt Nam sẽ đồng hành cùng ASEAN và đối tác xây dựng nền kinh tế tích cực vì hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển thịnh vượng trong mỗi quốc gia, khu vực và trên toàn thế giới.
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính tham gia buổi lễ bằng hình thức trực tuyến. Ảnh: VGP
Về phía Hoa Kỳ, Khuôn khổ hợp tác kinh tế IPEF sẽ là thỏa thuận giúp quốc gia này tăng cường vị thế kinh tế, mở rộng tầm ảnh hưởng kinh tế Hoa Kỳ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng như gia tăng đối trọng với Trung Quốc. Vì vậy, tuần này, Tổng thống Joe Biden sẽ có cuộc gặp, làm việc với các nhà lãnh đạo khu vực thuộc Khuôn khổ hợp tác kinh tế IPEF và Bộ tứ kim cương (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia). Tổng thống Biden tuyên bố, chống lạm phát và cắt giảm chi phí tăng cường sức chống chịu của các chuỗi cung ứng dài hạn là một trong những ưu tiên hàng đầu mà Khuôn khổ hợp tác kinh tế IPEF hướng đến.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Reuters
Thế Lâm (TH)
Bình luận