(TAP) - Vụ Indonesia đuổi tàu Trung Quốc trên biển Bắc Natuna diễn ra chỉ vài ngày sau khi quốc gia Đông Nam Á này có tân Tổng thống. Chuyên gia cho rằng, động thái trên cho thấy thái độ muốn thăm dò từ Bắc Kinh đối với chính quyền mới của Jakarta.
Thông tin Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia (Badan Keamanan Laut Republik Indonesia/Indonesian Maritime Security Agency) ngày 25/10 (giờ châu Á) ghi nhận vào ngày 23/10, tàu của Cảnh sát biển Trung Quốc (China Coast Guard) mang số hiệu “5402” đã xuất hiện ở vùng biển tranh chấp giữa hai nước. Theo truyền thông Đông Nam Á (CNA), với tên gọi “đường chín đoạn” (nine-dash line), Bắc Kinh đã tuyên bố chủ quyền hầu hết Biển Đông, đồng thời chồng lấn vùng đặc quyền kinh tế (economic zone) của nhiều quốc gia. Trong đó có Indonesia, khu vực gần quần đảo Natuna, nơi nổi tiếng giàu tài nguyên về dầu khí.
Tàu Trung Quốc xâm nhập vùng biển Bắc Natuna của Indonesia (Nguồn: Badan Keamanan Laut Republik Indonesia)
Cũng trong thông báo, chính quyền Jakarta cáo buộc, phương tiện tuần duyên Bắc Kinh gây nhiễu hoạt động khảo sát do công ty dầu khí Pertamina của nước này tiến hành. Trên kênh Youtube chính thức của Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia (Bakamla RI Official), đơn vị đăng video cho thấy phản ứng và cách xử lý đối với sự cố trên, bao gồm việc đuổi tàu xâm phạm khỏi vùng đặc quyền kinh tế.
Đáng nói rằng đây không phải lần đầu tiên trong tuần qua ghi nhận hành vi khiêu khích từ Trung Quốc. Cơ quan An ninh Hàng hải phía Jakarta tiết lộ, phương tiện trên cũng từng xuất hiện tại vùng biển Bắc Natuna trong ngày 21/10. Thời điểm đó, khi tàu Indonesia liên lạc và yêu cầu đối phương rời đi qua radio, Bắc Kinh chỉ đáp trả bằng hành động tuyên bố quyền tài phán.
Điều khiến giới quan sát chính trị và dư luận đặc biệt quan tâm là những hành động này diễn ra sau khi Indonesia có tân Tổng thống (20/10). Nhiều giải thuyết cho rằng Bắc Kinh muốn “thăm dò” phản ứng của chính quyền mới của ông Prabowo Subianto - người vừa nhậm chức phía Jakarta.
CNA trích dẫn nhận định của nhà khoa học chính trị, Phó Giáo sư Chong Ja Ian thuộc Đại học Quốc gia Singapore cho biết, những năm qua, cả Indonesia và Trung Quốc đều chủ trương giải quyết những bất đồng trên biển một cách kín tiếng. Phó Giáo sư Chong đánh giá, sự cố trong tuần này có thể được coi là phép thử để Bắc Kinh xem xét quyết tâm của chính quyền mới. Đôi bên có thể sẽ có những tương tác dễ dự đoán hơn khi chắc chắn hơn về lập trường ngoại giao.
Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto vừa nhận chức vào ngày 20/10 (Nguồn: Cabinet Secretariat of the Republic of Indonesia)
Nhà phân tích quốc phòng chính tại Jane's (công ty tình báo toàn cầu) Ridzwan Rahmat đồng tình, Trung Quốc đang cố gắng hiểu chính quyền mới của Indonesia khoan dung thế nào đối với các hoạt động trên “vùng xám” - ám chỉ động thái tranh chấp nhưng chưa đến mức dẫn đến chiến tranh. Cũng theo chuyên gia, vào năm 2020 - thời điểm Tổng thống Joko Widodo, người tiền nhiệm của ông Prabowo Subianto bắt đầu nhiệm kỳ, tàu tuần duyên và đánh cá Bắc Kinh cũng xâm nhập vùng biển Natuna. Chính quyền Jakarta đã phải triển khai máy bay chiến đấu và tàu chiến để ứng phó.
Tiến sĩ Abdul Rahman Yaacob - Nghiên cứu viên của Chương trình Đông Nam Á tại Viện Lowy cho rằng, việc Indonesia công bố đoạn video về vụ đuổi tàu được xem là sự thay đổi lớn so với chính sách ngoại giao thầm lặng trước đó. Chuyên gia nhận định, đây có thể phản ánh thái độ minh bạch, quyết đoán, tương tự như những nỗ lực của Philippines. Mặc dù vẫn còn rất sớm, nhưng giới quan sát chính trị phần lớn đồng tình, cách tiếp cận của Tân Tổng thống Prabowo về vấn đề chủ quyền trên biển có thể khác với người tiền nhiệm Widodo.
Kelvin Huynh
Bình luận