Quy chế tối huệ quốc không ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế Nga
Tin Quốc Tế

Quy chế tối huệ quốc không ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế Nga

Trước nguy cơ tiếp diễn xung đột vũ trang và khủng hoảng nhân đạo tại Ukraine, Mỹ thông báo hủy bỏ quy chế thương mại đặc biệt với Nga, đồng thời ban hành lệnh cấm mới nhằm thực hiện việc trừng phạt toàn diện. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, động thái loại bỏ quy chế tối huệ quốc (MFN) không tác động nhiều đến kinh tế Moscow.

Theo báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam) ngày 11/3/2022, nhằm gia tăng lệnh trừng phạt toàn diện đối với Nga, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã thông báo thu hồi quy chế thương mại “tối huệ quốc” (MFN) của Nga, đồng thời ban hành lệnh cấm nhập khẩu hải sản, rượu và kim cương từ chính quyền Moscow trong thời gian tới.

MFN là một trong những quy chế pháp lý quan trọng trên thị trường thương mại quốc tế. Theo đó, tất cả nước tham gia đều được đảm bảo công bằng với mức thuế quan và điều khoản hoàn toàn thống nhất. Ví dụ, Hoa Kỳ đánh thuế 13% mặt hàng găng tay da nhập khẩu thì các nước đã tham gia quy chế như Brazil, Pháp, Trung Quốc và Nga cũng phải đặt ra mức thuế tương tự. Quy chế đảm bảo các thành viên thuộc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) được đối xử trên cơ sở công bằng, tương tự lẫn nhau, trừ một số ngoại lệ ưu đãi dành cho các nước chậm hoặc đang phát triển.

Quy chế tối huệ quốc không ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế Nga

Joe Biden gia tăng sức ép lên Vladimir Putin thông qua quyết định thu hồi quy chế thương mại quốc tế

Chuyên gia dự đoán, Quốc hội và Hạ viện Hoa Kỳ sẽ sớm có động thái nhằm phản hồi quyết định của Joe Biden. Tuy nhiên, hãng thông tấn Associated Press (AP) nhận định, việc thu hồi quy chế thương mại không ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế của Nga. Bởi biện pháp trừng phạt này chỉ nhằm mục đích cộng hưởng cùng các lệnh trừng phạt Hoa Kỳ và đồng minh tuyên bố trước đó, làm gia tăng sức ép buộc quân đội Nga phải rút khỏi Ukraine.

Thực tế, lệnh cấm dầu, khí đốt và than từ chính quyền Moscow trong thời gian qua mới là tác động chính loại bỏ 60% các mặt hàng nhập khẩu của Nga tại Hoa Kỳ. Được biết, Mỹ chủ yếu nhập khẩu dầu, các kim loại quý như palladium, uranium rhodium và bạc từ Nga với mức thuế thấp hoặc gần như bằng không, cũng như tập trung thu mua hóa chất, thép bán thành phẩm, ván ép và đạn dược. Trong khi đó, số liệu thống kê từ Nhà Trắng cho thấy, tính đến thời điểm tháng 12/2021, quốc gia này nhập khẩu ít hơn 1% tổng lượng vodka của Nga, ngoài ra chính quyền Moscow cũng cung cấp chưa đến 2% trên tổng lượng thủy sản nhập khẩu tại "xứ cờ hoa".

Những năm qua, Hoa Kỳ từng thu hồi MFN của hơn 20 quốc gia, nổi bật nhất là Xô viết (Liên Xô cũ) và các đồng minh vì lý do chính trị. Nhưng đến nay, nước này đã khôi phục MFN ở hầu hết các quốc gia (ngoại trừ Cuba và Triều Tiên). Vì thế, Giám đốc thương mại và thị trường toàn cầu tại Viện Chính sách Cấp tiến Mỹ, ông Ed Gresser cho biết, việc loại bỏ quy chế tối huệ quốc, cũng như cấm rượu, hải sản, kim cường chỉ là hành động mang tính biểu tượng, nhìn chung không tác động trực tiếp và ngay lập tức đến kinh tế Nga.

Thái Sơn (TH)

Bình luận