Thời gian qua, lũ lụt liên tục hoành hành tại nhiều nơi dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Nhằm giải quyết tình hình khẩn cấp trước mắt, một số quốc gia đã công bố kế hoạch khắc phục hậu quả mưa bão trong tương lai.
Báo Nhân dân (Việt Nam) ngày 30/9/2022 đưa tin, không chỉ hoành hành tại các tỉnh miền trung Việt Nam (Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Phú Yên, Bình Định, Kon Tum, Gia Lai), bão Noru còn đổ bộ vào phía nam và trung của Lào, đồng thời gây ngập lụt nghiêm trọng ở khu vực đông bắc Thái Lan. Ảnh hưởng từ siêu bão khiến nhiều địa phương chịu thiệt hại nghiêm trọng, hệ thống giao thông bị cô lập, cơ sở hạ tầng bị tê liệt.
Toàn cảnh ngập lụt tại Lào (Nguồn: Nhân dân)
Ứng phó trước tình huống cấp bách trên, Cục Quản lý an toàn công nghiệp năng lượng thuộc Bộ Năng lượng và Mỏ (Lào) đã phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan tổ chức theo dõi mực nước ở tất cả đập chứa thủy điện; thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết; chủ động triển khai phương án xả lũ, kịp thời giảm thiểu thiệt hại.
Về phía chính quyền Bangkok (Thái Lan), Cục Phòng chống và Giảm nhẹ thiên tai thuộc Bộ Nội vụ nước này thông tin, kể từ sáng ngày 29/9/2022 – thời điểm bão Noru chính thức đổ bộ, ít nhất 12 tỉnh thuộc vùng đông bắc lâm vào tình trạng ngập lụt nghiêm trọng. Trong đó, nước sông Mun (tỉnh Ubon Ratchathani) không ngừng dâng cao khiến đất canh tác và nhiều làng mạc thuộc 14 huyện địa phương ngập nặng. Chính quyền Bangkok cho biết đã tăng cường công tác phòng, chống bão lụt, đồng thời dự báo khu vực thủ đô sẽ có mưa to kèm gió giật.
Cùng thời điểm đó, một cơn bão lớn mang tên “Ian” với sức gió lên đến 240km/giờ vừa đổ bộ hòn đảo Cayo Costa (Quận Lee, tiểu bang Florida, Hoa Kỳ). Theo ghi nhận, hơn 814.000 gia đình ở Florida đang sống trong tình trạng thiếu điện sinh hoạt, khoảng 2,5 triệu cư dân phải rời khỏi nơi cư trú vì ngập lụt diện rộng.
Tại Cộng hòa Liên bang Nigeria, giới chức nước này cho biết, mùa mưa năm nay khiến hơn 116.000 công dân phải rời khỏi khu vực sinh sống, ít nhất 23 người ở Bang Benue thiệt mạng, bao gồm 14 nạn nhân không qua khỏi vì lật thuyền. Lũ lớn cũng gây thiệt hại nặng nề về tài sản, khoảng 14 nghìn ha đất nông nghiệp bị nhấn chìm, hơn 4.000 ngôi nhà bị nước lũ cuốn trôi.
Đợt gió mùa kỷ lực thời gian qua và vấn đề tan chảy sông băng khiến 1/3 diện tích Pakistan chìm trong biển nước. Mưa to và gió lớn gây lũ lụt diện rộng, trực tiếp cướp đi mạng sống 1.600 người, đồng thời ảnh hưởng đến cuộc sống 33 triệu công dân đất nước Hồi giáo.
Theo đó, Bộ trưởng Kế hoạch, Phát triển và Sáng kiến đặc biệt Pakistan nhận định, quốc gia này cần huy động một nguồn tài chính khổng lồ giúp khắc phục hậu quả thiên tai ở 20 huyện chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Chi phí ước tính có thể lên tới 170 triệu USD.
Thái Sơn (TH)
Bình luận