(TAP) - Theo nhận định từ các chuyên gia, kế hoạch trục xuất hàng loạt của ông Donald Trump sau khi nhậm chức nhanh hay chậm phụ thuộc vào một số rào cản. Bao gồm phản kháng từ địa phương, thiếu hụt ngân sách và nhân sự, thiếu hợp tác quốc tế.
Trong bối cảnh, lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Donald Trump đang đến gần, kế hoạch trục xuất hàng loạt từng được Tổng thống đắc cử đề xuất trước đó tiếp tục là đề tài nhận được nhiều sự quan tâm. Dữ liệu ước tính do NBC News thu thập, trên toàn bộ lãnh thổ Hoa Kỳ có khoảng 11 triệu người không có tư cách pháp lý. CNN dẫn số liệu từ Bộ An ninh Nội địa (Department of Homeland Security) cho biết, trong nhiệm kỳ đầu tiên (2016 - 2021), chính quyền đầu tiên của ông Trump đã trục xuất gần 1,2 triệu người nhập cư trái phép. Trong khi đó, con số này với nhà lãnh đạo tiền nhiệm - ông Barack Obama là 2,9 triệu trường hợp trong nhiệm kỳ đầu tiên cũng như 1,9 triệu trường hợp trong nhiệm kỳ tiếp theo.
Phần lớn trường hợp bị Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan xử lý, được chuyển giao từ cơ quan thực thi pháp luật, bao gồm các nhà tù địa phương và tiểu bang lẫn liên bang (Nguồn: X “@ICEgov”)
Tốc độ thực hiện kế hoạch trục xuất hàng loạt của chính quyền mới sẽ đối mặt với rào cản từ sự phản kháng của một số thành phố và cơ quan thực thi pháp luật địa phương. Cũng theo NBC, lãnh đạo các thành phố và tiểu bang theo đảng Dân chủ (Democratic National Committee) trên khắp đất nước đã hứa sẽ phản đối các kế hoạch của ông Trump. Trong đó, một số trường hợp đã thông qua các sắc lệnh nhằm bảo vệ những người nhập cư không có giấy tờ khỏi nỗ lực trục xuất, điển hình như Texas - tiểu bang ghi nhận đã sử dụng quyền lực thực thi pháp luật riêng tại biên giới.
Mặc dù Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan (Immigration and Customs Enforcement, viết tắt: ICE) Hoa Kỳ là đơn vị thực hiện bắt giữ nhập cư trái phép, song Trung tâm Tài nguyên Pháp lý dành cho Người nhập cư (Immigrant Legal Resource Center) cho biết, khoảng 70 - 75% các trường hợp bị ICE xử lý, được chuyển giao từ cơ quan thực thi pháp luật, bao gồm các nhà tù địa phương và tiểu bang lẫn liên bang. Giáo sư luật tại Đại học North Carolina (University of North Carolina) - ông Rick Su nhận định, điều này không nghĩa, nếu không nhận được sự hỗ trợ từ địa phương, chính sách của ông Trump sẽ khó triển khai hiệu quả. Trước tình trạng này, tờ Straight Arrow News nói rằng, các quan giới trong Nội các mới đang cân nhắc việc cắt giảm các khoản tài trợ cho cảnh sát liên bang đối với những cơ quan thực thi pháp luật từ chối hỗ trợ yêu cầu trục xuất.
Một trở ngại khác là khoản thâm hụt ngân sách 230 triệu USD của ICE, thậm chí con số này chưa bao gồm chi phí “khổng lồ” phục vụ chính sách trục xuất hàng loạt, NBC News thông tin. Yahoo News dẫn lời nhà phân tích của Chương trình Chính sách Nhập cư Hoa Kỳ (U.S. Immigration Policy Program) tại Viện Chính sách Di cư (Migration Policy Institute) - bà Kathleen Bush-Joseph cho biết, ICE hiện đang hoạt động trong tình trạng thiếu hụt. Kế hoạch trục xuất hàng loạt khó có thể tăng tốc trừ khi Quốc hội cung cấp thêm ngân sách. Như TAP News từng thông tin, cuộc đàm phán về chi tiêu bắt đầu vào tháng 1 khi đảng Cộng hòa (Grand Old Party, viết tắt: GOP) nắm quyền kiểm soát Nhà Trắng và đa số ghế tại Thượng viện và Hạ viện. Tuy nhiên, Giáo sư Đại học North Carolina cho rằng, ngay cả khi Trump lên tiếng cứng rắn, chính quyền mới cũng khó làm tăng đáng kể số vụ trục xuất, do bản chất hoạt động này cần nhiều nguồn lực và tiền tài trợ.
Chính trị gia Tom Homan - người được ông Trump chọn làm Giám đốc ICE kế tiếp phỏng vấn với NBC News, khoản kinh phí khởi đầu để thực hiện kế hoạch trục xuất là 86 tỷ USD. Đồng thời, ông Homan muốn có ít nhất 100.000 giường giam giữ, trong khi hiện tại, Hoa Kỳ chỉ đang sở hữu khoảng 34.000. Gần đây, Giám đốc ICE sắp mãn nhiệm - ông PJ Lechleitner đã nói với truyền thông rằng, cơ quan này có gần 8 triệu người trong danh sách chưa bị giam giữ, với một sĩ quan phải đảm nhận quản lý cho hơn 7.000 trường hợp.
Chuyên gia cho rằng Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan đang thiếu hụt ngân sách hoạt động và cần chờ thêm hỗ trợ phe duyệt từ quốc hội (Nguồn: X “@ICEgov”)
Cũng theo chuyên gia Bush-Joseph, yếu tố cực kỳ quan trọng của kế hoạch trục xuất hàng loạt lần này là phải đạt thỏa thuận ngoại giao với các quốc gia khác. Nguyên nhân vì không phải tất cả người nhập cư trái phép đều có thể bị trục xuất về quốc gia rời đi. Trong nhiệm kỳ của Tổng thống sắp mãn nhiệm - ông Joe Biden, Hoa Kỳ đã thúc đẩy điều này thông qua đàm phán, bao gồm một thỏa thuận lịch sử với Mexico để tiếp nhận công dân từ quốc gia thứ ba, đổi lại phải thiết lập các con đường hợp pháp. Trong khi đó, bà Joseph quan ngại, đề xuất sử dụng thuế quan để buộc các nước tiếp nhận lại công dân của tân Tổng thống có thể không hiệu quả đối với một số quốc gia không chấp nhận người di cư trở về, bao gồm Venezuela và Cuba. Mặc dù vậy, động thái nối lại đầy đủ các dịch vụ cấp thị thực nhập cảnh cho người dân Cuba sau 05 năm đóng cửa của Ðại sứ quán Hoa Kỳ tại quốc gia này vào ngày 6/1 vừa qua, khiến dư luận tin rằng, kế hoạch trục xuất của ông Trump có thể đi vào guồng.
Kelvin Huynh
Bình luận