Tổng thống Emmanuel Macron tuyên bố muốn thông qua chính sách này để tăng cường lực lượng lao động, đảm bảo sự phát triển kinh tế quốc nội.
Theo VnExpress, ngày 19/3, văn phòng tổng thống Pháp Macron ra thông báo hi vọng luật cải cách hưu trí có thể giúp hoàn tất hành trình dân chủ do đó mong nhận được sự tôn trọng từ toàn thể người dân. Chính sách này đã trải qua nhiều tháng tham vấn chính trị - xã hội và 170 giờ tranh luận, bỏ phiếu nhằm thông qua văn bản chính thức.
Quang cảnh hỗn loạn của một cuộc biểu tình phản đối chính sách tăng tuổi nghỉ hưu tại Pháp, ngày 11/3. Ảnh: cand.com/EPA-EPE.
Luật nghỉ hưu mới công bố ngày 16/3 quy định người lao động Pháp sẽ cần phải làm việc trong liên tục 43 năm để có thể hưởng lương hưu đầy đủ, thay vì 42 năm như trước đây. Tuổi nghỉ hưu hiện nay là 62, dự định tăng thêm ba tháng mỗi năm từ tháng 9 năm nay và chạm mức 64 tuổi vào năm 2030.
Được biết, tổng thống Macron đã sử dụng đặc quyền trong hiến pháp để thông qua luật mà không cần sự phê duyệt của Hạ viện. Ông tuyên bố chính sách cải cách là cần thiết nhằm giữ cho hệ thống hưu trí đất nước bền vững hơn từ đó giúp củng cố nền kinh tế.
Tuy nhiên, phản ứng của người dân đi ngược lại hoàn toàn với mong đợi chính phủ. Người dân tỏ ra bất bình, phản ứng gay gắt dẫn đến tiến hành hàng loạt cuộc biểu tình, bạo loạn, đình công,... trên khắp nước Pháp. Điều này gây đóng băng hoàn toàn hàng loạt dịch vụ công cộng, hoạt động đường sắt, bến cảng và trường học.
Các công đoàn cật lực phản đối luật cải cách vì họ lo ngại điều luật mới sẽ gây thiệt thòi cho người lao động, đặc biệt đối với tầng lớp lao động chân tay có thu nhập thấp. Lý do đưa ra là họ tham gia vào thị trường lao động sớm hơn so với người có bằng đại học, từ đó thời gian lao động bị kéo dài hơn.
Ray Bon
Bình luận