Việt Nam: Tăng cường các biện pháp phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh sởi
Sức khỏe

Việt Nam: Tăng cường các biện pháp phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh sởi

(TAP) - Tình hình dịch bệnh sởi có nguy cơ bùng phát tại Việt Nam, để đảm bảo vắc xin sởi luôn sẵn có, Bộ Y tế Việt Nam đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan để sử dụng ngân sách trung ương mua sắm vắc xin và nhận viện trợ từ Chính phủ Úc.

Cũng theo Bộ Y tế Việt Nam, sởi là một bệnh truyền nhiễm do virus sởi gây ra, với khả năng lây lan rất nhanh qua đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mũi, miệng. 

Các triệu chứng ban đầu của bệnh bao gồm sốt cao, ho, sổ mũi, viêm kết mạc (đỏ mắt), và dấu hiệu đặc trưng là các nốt đỏ nhỏ xuất hiện trong miệng (dấu Koplik), trước khi phát ban lan rộng từ mặt xuống toàn thân. Bệnh sởi không chỉ dừng lại ở các triệu chứng thông thường, mà còn có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm não, tiêu chảy, thậm chí dẫn đến tử vong, đặc biệt là ở trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ mang thai và những người có hệ miễn dịch suy giảm.

Việt Nam: Tăng Cường Các Biện Pháp Phòng, Chống và Kiểm Soát Dịch Bệnh Sởi

Việt Nam: Tăng Cường Các Biện Pháp Phòng, Chống và Kiểm Soát Dịch Bệnh Sởi

Một số dấu hiệu của bệnh sởi ( Nguồn: U.S Centers for Disease Control and Prevention)

Nhằm phòng ngừa sởi một cách hiệu quả, việc tiêm vắc xin sởi đúng lịch cho trẻ em từ 9-12 tháng tuổi và tiêm nhắc lại khi cần thiết là rất quan trọng. Đồng thời, khuyến cáo người dân thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh, thực hiện các biện pháp phòng bệnh như hạn chế tụ tập đông người, rửa tay thường xuyên với xà phòng và đeo khẩu trang khi đến các khu vực công cộng.

Sự chủ động của các cơ quan chức năng cùng với ý thức phòng bệnh của người dân sẽ là yếu tố quyết định trong việc kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh sởi, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Nhu Torido

 

Bình luận