(TAP) - BRICS quyết định không thêm bất kỳ quốc gia mới nào làm thành viên chính thức. Thay vào đó, Việt Nam và 12 quốc gia khác đã được chấp nhận trở thành đối tác chính thức của sáng kiến này.
Theo nội dung đăng tải trên mạng xã hội “X” của BRICS (@BRICSinfo) ngày 24/10, khối này đã vừa chính thức bổ sung 13 quốc gia mới vào liên minh với tư cách đối tác, thay vì thành viên chính thức. BRICS là tên viết tắt của sáng kiến hợp tác bao gồm các thành viên: Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc, Nga và Nam Phi. Như TAP News từng thông tin, Hội nghị thượng đỉnh BRICS (BRICS Summit) lần thứ 16 được tổ chức ở Kazan (thành phố ở Nga) trong năm 2024 lần đầu tiên chứng kiến sự tham gia của Ai Cập, Iran, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Ả Rập Xê Út và Ethiopia vào khối. Qua đó, nâng tổng số thành viên của tổ chức lên con số 10.
Danh sách các nước đối tác mới vừa được công bố bao gồm: Việt Nam, Malaysia, Algeria, Belarus, Bolivia, Cuba, Indonesia, Kazakhstan, Nigeria, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Uganda và Uzbekistan. Theo đánh giá từ tờ The Star (Malaysia), BRICS đại diện cho khoảng 40% dân số toàn cầu, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 26,6 nghìn tỷ đô USD. Con số này tương đương 26,2% GDP thế giới, tức gần bằng sức mạnh kinh tế của G7 - Nhóm không chính thức của các nước công nghiệp tiên tiến như Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Ý, Canada, Nhật Bản và Vương quốc Anh.
BRICS thêm Việt Nam và 12 quốc gia khác vào danh sách đối tác (Nguồn: X “@BRICSinfo”)
Kết quả trên có thể không như kỳ vọng của một số bên, điển hình là Malaysia. Tờ The Edge Malaysia cho biết, trên thực tế, người đứng đầu chính quyền Kuala Lumpur - Thủ tướng Datuk Seri Anwar Ibrahim từng xác nhận nộp đơn xin gia nhập chính thức BRICS vào ngày 28/7. Trước đó vào ngày 18/8, tại cuộc thảo luận với Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, ông Anwar cũng nhắc đến ý định này.
Nhìn chung việc 04 cái tên từ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Association of Southeast Asian Nation, viết tắt: ASEAN) là Việt Nam, Malaysia, Thái Lan và Indonesia thành đối tác BRICS sẽ đồng thời mang lại cơ hội cũng như thách thức với khu vực. Truyền thông Đông Nam Á (CNA) dẫn lời nhà phân tích rủi ro chính trị độc lập Halmie Azrie cho rằng, có khả năng 04 thành viên ASEAN muốn tăng cường cơ hội thương mại và đa dạng hóa quan hệ đối ngoại trong bối cảnh bất ổn địa chính trị và chiến tranh ở Ukraine và Trung Đông diễn biến phức tạp.
Cũng theo ông Halmie, 04 quốc gia này có thể mang lại cho khu vực ASEAN một tiếng nói đại diện khi nêu bật các vấn đề hoặc chia sẻ những diễn biến với thành viên chính thức của BRICS. Trong khi đó, Tiến sĩ Oh Ei Sun - Thành viên cấp cao tại Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Singapore (Singapore Institute of International Affairs) nhận định, đối với Malaysia và Indonesia, hai quốc gia đa số dân cư theo đạo Hồi và ủng hộ người Palestine, việc thân với Nga (Chủ tịch BRICS) cũng là hành động phản ứng tức thời nhằm chống lại phương Tây vốn luôn ủng hộ Israel.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại BRICS Summit 2024 (Nguồn: X “@BRICSinfo”)
Kane Nguyen
Bình luận