(TAP) - Ngay trong những giờ đầu tiên nhậm chức, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã nhanh chóng thực hiện hàng loạt các sắc lệnh hành pháp, thể hiện rõ cam kết muốn đảo ngược chính sách của người tiền nhiệm - ông Joe Biden.
Những ngày qua, chính trường Washington, D.C cũng như toàn thế giới không ngừng “rung chuyển” chuyển trước hàng loạt sắc lệnh hành pháp mới của tân Tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ - ông Donald Trump. Theo tờ The New York Times, các lệnh này chủ yếu tập trung vào vấn đề nhập cư, môi trường, năng lượng, thương mại và các sáng kiến đa dạng đầu tư, đồng thời nhấn mạnh quyết tâm của ông Trump trong việc tái thiết các chính sách đối nội và quốc tế theo hướng tập trung vào an ninh quốc gia.
Theo đó, Tổng thống Donald Trump tuyên bố hủy bỏ gần 80 sắc lệnh hành pháp của chính quyền tiền nhiệm, trong đó có các chỉ thị nhằm xây dựng lại hệ thống tị nạn và chấm dứt việc sử dụng các nhà tù tư nhân của Bộ Tư pháp (Department of Justice). Những hành động này không chỉ phản ánh sự khác biệt sâu sắc trong chính sách mà còn là một nỗ lực nhằm phục hồi các ưu tiên của Trump trong chiến dịch tranh cử của mình. Ông Trump cũng ra lệnh “đóng băng” (dừng) tuyển dụng liên bang, trừ các vị trí quan trọng liên quan đến quân đội, bảo vệ an ninh quốc gia hoặc nhân viên thực thi pháp luật.
Tòa nhà Capitol ở Washington, D.C (Nguồn: Facebook “U.S. Capitol Visitor Center”)
Ngoài ra, tân Tổng thống cũng ban hành lệnh khôi phục “Bảng biểu F” (Schedule F) cho công chức liên bang. Đây là quy định bắt nguồn từ Sắc lệnh Hành pháp (Executive Order) của ông Trump vào tháng 10/2020 (kết thúc từ nhiệm kỳ ông Joe Biden). Trong đó, hàng chục nghìn công chức giữ những vai trò được cho là có ảnh hưởng đến chính sách sẽ được điều chuyển thành nhân viên “F”. Những nhân viên này sẽ mất việc làm và quyền bảo vệ công đoàn khi bị điều chuyển, khiến họ đối mặt nguy cơ bị sa thải cao hơn. Bên cạnh đó, Schedule F cũng yêu cầu những người này cần có lòng trung thành với Tổng thống, định nghĩa từ Liên đoàn quốc gia của nhân viên liên bang (National Federation of Federal Employees).
Theo Đài Phát thanh Công cộng quốc gia (National Public Radio), một trong những sắc lệnh đáng chú ý vừa được ban hành là lệnh cấm tị nạn đối với người mới nhập cư đến biên giới phía Nam Hoa Kỳ. Tổng thống Donald Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia giáp với lãnh thổ Mexico, đồng thời mở đường cho kế hoạch xây dựng bức tường biên giới mà không cần thông qua phê duyệt của Quốc hội. Ông Trump cũng bày tỏ thái độ quyết liệt với chính sách yêu cầu người xin tị nạn phải đợi ở Mexico trong khi chờ xét duyệt hồ sơ.
Như TAP News từng thông tin, ông Trump đã ra lệnh rút Hoa Kỳ khỏi Thỏa thuận Paris cũng như đưa ra cảnh báo khẩn cấp về năng lượng quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án khai thác tài nguyên. Chính quyền mới được cho sẽ nỗ lực đảo ngược các chính sách về khoan dầu ngoài khơi và những quy định về ô nhiễm từ ô tô, đồng thời khôi phục các dự án khai thác dầu khí tại vùng hoang dã Alaska.
Tổng thống Donald Trump còn chỉ đạo các cơ quan liên bang điều tra các thâm hụt thương mại, các hoạt động tiền tệ không công bằng, đặc biệt từ Trung Quốc, Mexico và Canada. Ông Trump cũng yêu cầu cần đánh giá một cách toàn diện về ngành công nghiệp và sản xuất của Washington, D.C đảm bảo các mức thuế liên quan đến an ninh quốc gia ở mức hợp lý.
Một trong những lệnh gây tranh cãi nhất là việc chấm dứt các chương trình “Đa dạng, Công bằng và Hòa nhập” (Diversity, equity, and inclusion, viết tắt: DEI) trên toàn Chính phủ liên bang. Tổng thống Trump cũng yêu cầu loại bỏ các biện pháp bảo vệ cho người chuyển giới trong các nhà tù liên bang, chỉ công nhận hai giới tính duy nhất (nam và nữ). Cũng trong ngày nhậm chức, ông Trump đã ra lệnh rút Hoa Kỳ khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization), sau đó yêu cầu đảm bảo nguồn cung cấp thuốc tiêm cho các tiểu bang thực hiện án tử hình.
Bên cạnh đó, tân Tổng thống cũng ký sắc lệnh hoãn lệnh cấm TikTok thêm 75 ngày, yêu cầu các cơ quan liên bang đánh giá các rủi ro an ninh quốc gia từ nền tảng này. Tổng thống Donald Trump cam kết sẽ thực hiện các cải cách lớn trong Nội các, bao gồm sáng kiến cắt giảm chi phí do cấp dưới - vị tỷ phú Elon Musk dẫn đầu. Ông yêu cầu các cơ quan liên bang xem xét lại các quy định và chính sách đang gây gánh nặng cho các doanh nghiệp và công dân quốc gia.
Trong lần thứ hai tại Nhà Trắng, ông Donald Trump được cho sẽ tái thiết các chính sách từng thực hiện trong nhiệm kỳ đầu tiên (Nguồn: Facebook “Donald J. Trump”)
Những hành động này của ông Trump là tín hiệu rõ ràng về sự quay lại với các chính sách từng thực hiện trong nhiệm kỳ đầu tiên, thể hiện bước đi quyết liệt nhằm thiết lập lại quyền lực của chính quyền liên bang. Giới quan sát chính trị nhận định, động thái này của lãnh đạo Nhà Trắng có thể tạo ra phản ứng mạnh mẽ từ các đối thủ chính trị, nguy cơ đối mặt với nhiều thách thức pháp lý trong tương lai.
Kelvin Huynh
Bình luận