(TAP) - Vào ngày 21/1 (giờ địa phương), tại Davos (Thụy Sĩ), nhân dịp tham dự Hội nghị Thường niên lần thứ 55 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã có buổi hội đàm cùng Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ Karin Keller-Sutter. Trong không khí hữu nghị, cởi mở, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí về nguyên tắc nâng quan hệ song phương lên khuôn khổ Đối tác toàn diện.
Theo Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ sự vui mừng khi trở lại Thụy Sĩ để làm việc và thăm hỏi. Ông khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác đa phương với Thụy Sĩ. Đáp lại, Tổng thống Karin Keller-Sutter khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng của Thụy Sĩ và bày tỏ mong muốn phát triển quan hệ song phương lên tầm cao mới, tin cậy, toàn diện, hiệu quả. Hai nhà lãnh đạo đánh giá quan hệ Việt Nam - Thụy Sĩ đã có những bước phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là chính trị – ngoại giao, thương mại – đầu tư, khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Tổng thống Karin Keller-Sutter. Nguồn: Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam
Với bề dày quan hệ hữu nghị tốt đẹp và tầm nhìn chung, hai bên quyết định nâng tầm quan hệ lên khuôn khổ Đối tác toàn diện, thống nhất các nguyên tắc, định hướng chung nhằm tạo đột phá. Từ đó, quan hệ hai nước hứa hẹn phát triển sâu rộng, thực chất hơn cả trên bình diện song phương và trong khuôn khổ hợp tác khu vực, toàn cầu. Tổng thống Karin Keller-Sutter nhấn mạnh việc nâng cấp quan hệ song phương thời điểm này mang ý nghĩa rất quan trọng.
Về hợp tác kinh tế, hai nhà lãnh đạo đánh giá cao triển vọng hợp tác kinh tế song phương, đồng thuận phấn đấu tăng cường kim ngạch thương mại giữa hai nước trong thời gian tới. Hai bên đặt mục tiêu sớm kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA), khởi động đàm phán lại Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư song phương. Tổng thống Thụy Sĩ bày tỏ sẵn sàng hợp tác trong các lĩnh vực mới phù hợp nhu cầu, thế mạnh hai bên như: đổi mới sáng tạo; chuyển đổi số; công nghệ cao; AI; bán dẫn; ứng phó biến đổi khí hậu; mua bán tín chỉ carbon; …
Toàn cảnh cuộc hội đàm. Nguồn: Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam
Về hợp tác an ninh – quốc phòng, hai nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy hợp tác trong công nghiệp quốc phòng, đào tạo, nâng cao năng lực, hỗ trợ tham gia lực lượng giữ gìn hòa bình, nghiên cứu, đàm phán, ký kết các hiệp định hợp tác. Ngoài ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Việt Nam – Thụy Sĩ đẩy mạnh hợp tác ở lĩnh vực giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, văn hóa – du lịch. Ông nhấn mạnh việc phát triển hệ thống giáo dục chất lượng cao, thúc đẩy liên kết giữa các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, trường đại học, cũng như hợp tác trong du lịch bền vững, phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực này.
Tổng thống Keller-Sutter cảm ơn quyết định miễn thị thực ngắn hạn cho công dân Thụy Sĩ, coi đây là yếu tố quan trọng để khuyến khích giao lưu nhân dân và hiểu biết lẫn nhau. Bà đánh giá cao cộng đồng người Việt tại Thụy Sĩ đã góp phần tích cực cho kinh tế - xã hội sở tại và phát huy vai trò cầu nối hợp tác song phương. Hai nhà lãnh đạo nhất trí phối hợp trước các thách thức toàn cầu, hợp tác tại các diễn đàn đa phương, đặt biệt ở Liên Hợp Quốc và khuôn khổ quan hệ Đối tác đối thoại theo lĩnh vực ASEAN - Thụy Sĩ.
Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính chuyển lời mời trân trọng từ Chủ tịch nước Lương Cường đến Tổng thống Thụy Sĩ tham Việt Nam, và Tổng thống Karin Keller-Sutter đã vui vẻ nhận lời.
Anh Pham
Bình luận